Vào lúc 20h tối 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giải đáp trực diện những thắc mắc của người dân trên sóng trực tiếp (livestream) Chương trình "Dân hỏi- Thành phố trả lời". Đây là chương trình được người dân quan tâm vì ngày mai 1/10, Tp.HCM sẽ nới lỏng giãn cách, "mở cửa" từng phần sau những ngày giãn cách chống dịch Covid-19.
Tại chương trình, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã cung cấp thông tin chính thống và giải đáp thắc mắc của người dân trực tiếp, cụ thể, chi tiết về nội dung của UBND Tp.HCM sau giai đoạn sau ngày 1/10 và chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đợt 3.
Cố gắng mở cửa từng bước
Mở đầu buổi livestream, MC Quyền Linh đã đưa ra câu hỏi: “Kế hoạch nào để TP.HCM có thể kéo dài hoạt động lâu dài sau giãn cách”.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, đây là điều băn khoăn của chính quyền TP. nhiều nơi trên thế giới sau giãn cách thì người ta lại nới lỏng rồi không kiểm soát được lại tiếp tục phong toả, ảnh hưởng đến người dân, đến kinh tế xã hội của quốc gia nên bây giờ nới lỏng hoặc là giãn cách như thế nào đó là những cái băn khoăn, trăn trở được lãnh đạo TP. đắn đo, suy nghĩ cân nhắc kỹ lưỡng, làm sao không dẫn đến tình trạng nới lỏng rồi sau đó đóng cửa trở lại.
Trong giai đoạn này, TP.HCM đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương về tinh thần lẫn vật chất và con người, như lực lượng y - bác sĩ, máy móc, thiết bị y tế. Hơn hết, đó là sự chung sức, đồng lòng, đồng thuận của người dân và chính quyền TP. cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nhất.
"Nếu không có sự góp sức của người dân và doanh nghiệp, thành phố sẽ khó có thể đạt được những kết quả như thời gian qua. Thành phố đang đứng trước sự lựa chọn phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Đây là 2 mặt trận mà thành phố phải đối mặt", ông Hoan nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng cả 2 mặt trận này quan trọng, có mối liên hệ hỗ trợ lẫn nhau. Khi TP.HCM chống dịch có hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu tử vong sẽ tạo ra nguồn lực tác động sự phát triển nền kinh tế. Để làm được điều đó, Tp.HCM phải ban hành và thực hiện Chỉ thị 18.
Trước câu "mở cửa rồi có đóng lại không?", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết khó có thể nói trước được mà phục thuộc vào tình hình dịch bệnh. Theo ông Hoan, để không xảy ra tình trạng nới lỏng được một thời gian ngắn mà phải đóng cửa trở lại, TP.HCM cố gắng mở cửa từng bước, "an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn" thành phố đi từng bước vững chắc, chặt chẽ.
Vẫn duy trì chốt lưu động để kiểm tra
Trước câu hỏi của người dân về việc lưu thông từ ngày 1/10, ông Võ Văn Hoan cho hay người dân có thể đi lại bình thường trong phạm vi TP.HCM nhưng không được tự ý ra khỏi TP.. Khi tham gia lưu thông, người dân cần chuẩn bị mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế Tp.HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc-xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động). Người dân là F0 đã khỏi bệnh cũng đủ điều kiện lưu thông.
Theo ông Võ Văn Hoan, sau ngày 30/9, TP.HCM sẽ không còn kiểm soát lưu thông bằng chốt chặn cố định như trước. Song, Công an TP.HCM vẫn duy trì chốt lưu động để kiểm tra, giám sát và tuần tra nhằm đảm bảo an toàn cũng như hạn chế việc ra đường không cần thiết. Nếu khi kiểm tra, người nào ra đường không có lý do chính đáng thì vẫn bị xử lý theo quy định.
Một vấn đề khác cũng được rất nhiều người dân thắc mắc, đặt câu hỏi đến Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: “Nhiều người dân phản ánh chưa nhận được tiền các gói hỗ trợ”.
Ông Hoan cho biết giãn cách kéo dài nên người dân càng khó khăn, phát sinh thêm nhiều đối tượng cần hỗ trợ mới. Gói hỗ trợ lần thứ 3 ra đời từ thực tế đó. Thông tin dự kiến sẽ chi trả gói hỗ trợ lần thứ 3 trong vòng 15 ngày (từ 1 đến 15/10).
Ngoài ra, khối lượng công việc của gói hỗ trợ đợt 3 gấp 2,5 lần 2 gói trước. Thống kê ban đầu cho thấy có khoảng 7,3 triệu người cần hỗ trợ nhưng con số này có thể hơn. Để đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp nhưng vẫn trọn vẹn, TP.HCM đã có chỉ đạo bài bản và kỹ lưỡng.
Toàn bộ danh sách đã được rà soát trước. Từng địa phương tiếp tục rà soát từng khu phố, tổ dân phố, thành lập nhóm rà soát, có hội đồng xét duyệt cơ sở và tiếp tục được xét duyệt lại bởi Hội đồng cấp quận.
Sau đó, danh sách sẽ được chuyển lên app An sinh để chi trả. Qua app An sinh, TP.HCM có thể trực tiếp theo dõi tiến độ cấp hỗ trợ của từng tổ dân phố, phường, xã, quận, huyện.