Hàng nghìn người mất việc vì Covid-19
Ngày 1/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu gặp khó khăn.
Qua theo dõi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh công nghiệp giữ vững hoạt động, góp phần giữ ổn định và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực du lịch khách sạn, nhà hàng, cơ sở ăn uống, dịch vụ… đều tạm thời ngừng hoạt động. Hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng, việc làm và thu nhập giảm. Theo đó tình hình lao động, việc làm, đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, toàn TP.Đà Nẵng có hơn 27.308 doanh nghiệp hoạt động với hơn 363.000 lao động. Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, mất việc làm. Đồng thời, khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động phi chính thức, việc làm không ổn định.
Đến nay, có hơn 2.225 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 538 doanh nghiệp giải thể. Các đơn vị ngừng hoạt động, giải thể phần lớn thuộc đơn vị, doanh nghiệp về thương mại, dịch vụ, du lịch… đã làm cho một bộ phận người lao động gặp khó khăn về việc làm.
Tính đến ngày 20/10 đã có 13.886 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 11.986 lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền 246,2 tỷ đồng.
Số lượng lao động bị mất việc làm, thất nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là đối tượng lao động tự do, theo ước tính có hơn 58.000 người bị mất việc làm, thất nghiệp, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Hoàng, tại các khu công nghiệp, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4, do Thành phố này đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch hiệu quả tại các doanh nghiệp, nên việc làm của người lao động tại các khu công nghiệp vẫn được duy trì tương đối ổn định.
Hiện, TP.Đà Nẵng có 8 khu công nghiệp, với 503 doanh nghiệp hoạt động, số lượng hơn 67.515 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm thời điểm dịch bùng phát tại thành phố đạt hơn 80%. Hiện, có 96 doanh nghiệp ở khu công nghiệp ngừng hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại, du lịch, khách sạn, dịch vụ, thương mại… dịch Covid-19 làm cho tình hình lao động, việc làm chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Tìm việc làm cho người dân sau dịch Covid-19
Ông Nguyễn Đăng Hoàng cho biết thêm, trong thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm chuyển sang tự tạo việc làm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm mới cho người lao động được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Địa phương cũng kêu gọi, tranh thủ nguồn huy động hợp pháp khác, từ các dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nước ngoài để hỗ trợ cho vay sinh kế tạo việc làm ổn định và bền vững.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành Lao động Thương binh và Xã hội tăng cường kết nối, tiếp cận với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời việc tuyển dụng lao động, cung cấp thông tin để kết nối cung - cầu lao động, tư vấn cho người lao động về việc làm; nâng cao năng lực cho sàn giao dịch việc làm, mở rộng nhiều kênh cung cấp thông tin thị trường lao động để kết nối người lao động với doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động; nhất là tập trung vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực.
Triển khai thực hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp miễn phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đến các đối tượng thuộc gia đình chính sách người có công với cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa không còn đất sản xuất, lao động là người khuyết tật, lao động thất nghiệp…
Triển khai thực hiện và điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp với tình hình mới; mở rộng đối tượng để người lao động có cơ hội học nghề, chuyển đổi ngành nghề.
Sở chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát đời sống người dân sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định để làm cơ sở tham mưu các chính sách hỗ trợ cho người dân.
“Ngoài ra, Sở đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, cập nhật thường xuyên tình hình biến động lao động nước ngoài vào làm việc trên địa bàn thành phố trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND TP.Đà Nẵng thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên quan đến hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam để làm việc…”, ông Nguyễn Đăng Hoàng cho biết.