Gió giật tới cấp 10 ở nhiều tỉnh ven biển, Hà Nội tập trung bảo vệ vùng ven sông

14/10/2020 11:42

Chiều nay (14-10), bão số 7 sẽ đi vào các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Đêm nay, thành phố Hà Nội sẽ xảy ra đợt mưa lớn.

Song hành với bão số 7, nhiều khả năng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ mạnh thành bão trong ngày 16-10 và đi vào các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Cơ quan phòng, chống thiên tai, trong đó có thành phố Hà Nội, đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ.

Đường đi của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới trong sớm nay (14-10). Ảnh: nchmf.gov.vn

Gió giật tới cấp 10 ở nhiều tỉnh ven biển

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 4h sáng nay, bão số 7 đã đi vào vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 70km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Chiều nay, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Khoảng 16h ngày 14-10, áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An; sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9...

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, từ sáng nay, trên đất liền ven biển (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng khu vực các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến 16-10, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An xảy ra đợt mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi cao hơn 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.

Ảnh hưởng của bão số 7, tại Hà Nội, từ ngày 14 đến 16-10, xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (mưa vừa, mưa to tập trung từ đêm 14 đến ngày 15-10). Lượng mưa phổ biến tại khu vực trung tâm thành phố 50-100mm; các huyện phía Nam 60-120mm; các huyện phía Bắc và Tây khoảng 50-80mm. Đáng chú ý, trong cơn dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh...

Ngoài bão số 7, trên vùng biển Philippines đã hình thành áp thấp nhiệt đới, đang đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành cơn bão mới. Khoảng 4h ngày mai (15-10), tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 600km; sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo ngày 16-10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Đến 4h ngày 16-10, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 340km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sau thời gian trên, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng vào các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ...

Ứng phó với bão số 7 và áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành cơn bão mới, tối 13-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ký ban hành công điện khẩn chỉ đạo các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (trong đó có Hà Nội), bộ, ngành liên quan triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn, trong đó tập trung kiểm tra, chủ động triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cành cây… để hạn chế thiệt hại do bão; triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình công cộng, khu công nghiệp ven biển, bến cảng, kho tàng, hầm lò, hệ thống điện, bãi thải khai thác khoáng sản, dự án đang thi công...

Hà Nội bảo đảm an toàn cho người, công trình trên sông

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, tiêu thoát nước trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Các địa phương kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ...

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt tại các quận nội thành. Các công ty thủy lợi kiểm tra, rà soát, xử lý sự cố, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập; chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi để tiêu nước đệm… Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức lực lượng ứng trực, kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân. Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các đơn vị khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, bảo đảm cấp điện phục vụ tiêu úng chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân...

Kim Nhuệ
Bạn đang đọc bài viết "Gió giật tới cấp 10 ở nhiều tỉnh ven biển, Hà Nội tập trung bảo vệ vùng ven sông" tại chuyên mục Môi trường. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)