Sáng 6/8, Việt Nam công bố thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 1 trường hợp tại Hà Nội là bệnh nhân 714.
Bệnh nhân 714 từng có tiền sử đi du lịch Đà Nẵng giữa tháng 7 vừa qua, ngày 26/7 bắt đầu khai báo y tế và ngày 31/7 được test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên đến ngày 5/5, bệnh nhân xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Trong 1 tuần vừa qua, Hà Nội đã làm test nhanh cho hơn 72.000 người từ Đà Nẵng trở về, phát hiện 12 trường hợp dương tính nhưng sau đó xét nghiệm lại bằng PCR đều âm tính. Sau trường hợp bệnh nhân 714, dư luận đặt hoài nghi về độ chính xác của test nhanh Covid-19.
Hà Nội lấy mẫu máu test nhanh Covid-19 cho người dân những ngày qua. Ảnh: Trần Thường
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, việc thực hiện test nhanh thời gian qua để sàng lọc sớm ca bệnh là cần thiết.
Tuy nhiên đúng như tên gọi, test nhanh có độ nhạy, độ đặc hiệu nhất định, không thể có độ chính xác cao như làm xét nghiệm PCR. Ngay cả với xét nghiệm PCR, vẫn có thể xảy ra tình huống lần đầu âm tính, lần thứ 2 làm lại dương tính.
Do đó, ngành y tế khuyến cáo, tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ từ Đà Nẵng vẫn cần tự cách ly, theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày.
Những trường hợp test nhanh dương tính sẽ được cách ly ngay, lấy mẫu và làm xét nghiệm PCR để khẳng định.
Những ngày qua, song song với test nhanh, Hà Nội cũng đã lấy mẫu xét nghiệm PCR cho hơn 500 trường hợp là những người đi qua các bệnh viện của Đà Nẵng có triệu chứng nghi ngờ.
Ông Hiền cho biết, trong những ngày tới, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng xét nghiệm PCR cho những người có triệu chứng nghi ngờ, biểu hiện nghi ngờ hoặc nghi ngờ mắc vì thực tế có nhiều trường hợp không có triệu chứng bệnh nhưng vẫn mắc.
Trong đó sẽ ưu tiên 2 nhóm: Nhóm 1 là những người đi qua Đà Nẵng và các tỉnh có dịch, những người có mặt tại các điểm Bộ Y tế đã thông báo khẩn có triệu chứng như ho, sốt, đau họng.
Nhóm 2 là là những người đến bệnh viện khám với biểu hiện hô hấp, các bệnh nhân nằm viện có triệu chứng hô hấp nhưng chưa xác định được nguyên nhân hoặc các trường hợp bệnh nhân có nghi ngờ.
Về năng lực xét nghiệm PCR của Hà Nội, ông Hiền cho biết, ngoài CDC Hà Nội có khả năng xét nghiệm 700 mẫu/ngày, trên địa bàn có 10 bệnh viện có thể làm được xét nghiệm PCR. Khi huy động, công suất xét nghiệm có thể lên tới 5.000 mẫu/ngày.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo 3 đơn vị thuộc Bộ gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm Covid-19.
Theo các chuyên gia dịch tễ, test nhanh chỉ có ý nghĩa đánh giá phạm vi dịch trong cộng đồng, không thể khẳng định ca mắc.
GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, test nhanh Covid-19 luôn có tỉ lệ dương tính giả, đồng nghĩa kết quả test âm tính chưa hẳn đã không mắc Covid-19.
Ngoài ra, tỉ lệ lớn trường hợp mới mắc Covid-19, cơ thể sẽ chưa sản sinh ra kháng thể ngay, test nhanh không phát hiện được.
Vì vậy, Bộ Y tế vẫn đang yêu cầu tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày tại nhà.
Trong phác đồ mới, Bộ Y tế cũng yêu cầu ngay khi phát hiện những ca nghi ngờ, không xác định được nguyên nhân, cơ sở y tế cần lập tức xét nghiệm Realtime RT-PCR, tránh bỏ sót.
Được biết, toàn bộ số test nhanh Hà Nội thực hiện vừa qua là của Hàn Quốc. Từ ngày 2/8, số test này đã hết nên Hà Nội tạm ngừng test nhanh.
Ngành y tế Hà Nội mới đây đã đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để tiếp tục sàng lọc những trường hợp trở về từ Đà Nẵng. Tuy nhiên quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Trung ương không cấp test nhanh, khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm PCR.