Mô hình làm việc 4 ngày/tuần có thật sự ưu việt?

12/10/2021 11:29

Tuần làm việc 4 ngày đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trong những năm gần đây. Mô hình này có gì ưu việt, đáng để chính phủ các nước cân nhắc thử nghiệm?

Tây Ban Nha đang có kế hoạch thử nghiệm mô hình này vào cuối năm nay. Dự án thử nghiệm tại quốc gia châu Âu này sẽ kéo dài 3 năm, sử dụng 50 triệu Euro từ quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của EU để bồi thường cho 200 công ty quy mô vừa tham gia dự án, Euro News đưa tin.

Theo Đảng tiến bộ Más País – cơ quan khởi xướng sáng kiến, khoản tiền này sẽ được dùng để chi trả tất cả các chi phí phụ trội của người sử dụng lao động trong năm đầu tiên tham gia dự án thử nghiệm, và sau đó viện trợ của chính phủ sẽ giảm xuống còn 50% trong năm thứ hai, và 25% trong năm thứ ba.

Tại Bỉ - một quốc gia châu Âu khác, Chính phủ nước này đang xem xét một đề xuất rút ngắn tuần làm việc toàn thời gian từ 5 ngày xuống còn 4 ngày, tờ VTM Nieuws bằng tiếng Flemish đưa tin hôm 6/10.

Bộ trưởng Lao động Bỉ Pierre-Yves Dermagne cho biết, ý tưởng này một phần bắt nguồn từ những thay đổi tại nơi làm việc xảy ra khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm ngoái.

Người lao động toàn thời gian ở Bỉ sẽ vẫn làm việc 38-40 giờ mỗi tuần, nhưng thời lượng một ngày làm việc sẽ được mở rộng thành 9,5 tiếng để đổi lấy thêm một ngày nghỉ.

Tức là, theo đề xuất này, người lao động sẽ làm việc 4 ngày/tuần, mỗi ngày 9,5 tiếng và có 3 ngày nghỉ/tuần.

Các quan chức cho rằng đề xuất này, được cho là không bắt buộc, đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà lãnh đạo.

Tiêu điểm thế giới - Mô hình làm việc 4 ngày/tuần có thật sự ưu việt?

Theo đề xuất, người lao động sẽ làm việc 4 ngày một tuần, mỗi ngày 9,5 tiếng, và có 3 ngày nghỉ trong tuần. Ảnh: Retail Detail EU

"Về nguyên tắc, chúng tôi nghĩ rằng điều này có lợi cho người lao động, nhưng tất nhiên nó phải xuất phát từ sự lựa chọn của chính người lao động", Chủ tịch Đảng Flemish Green Meyrem Almaci nói với hãng tin VTM Nieuws.

Sau khi đề xuất được công bố, có thể phải mất vài tháng mới luật hóa được những thay đổi này.

Người Bỉ sẽ làm việc 4 ngày/tuần vào năm sau?

Người phát ngôn của Bộ trưởng Kinh tế và Lao động Bỉ xác nhận rằng, các đề xuất đang được chính phủ thảo luận.

Một khi đề xuất được tiếp nhận, Chính phủ Liên bang Bỉ sẽ thảo ra các chi tiết về việc chuyển sang mô hình tuần làm việc 4 ngày với sự phối hợp của đại diện các ngành công nghiệp và công đoàn.

Theo ước tính của vị phát ngôn viên này, quá trình đó có thể mất ít nhất 6 tháng, rồi sau đó quá trình xem xét thông qua đề xuất thành luật mới có thể bắt đầu.

Tuy nhiên, Chính phủ không có ý định biến đề xuất tuần làm việc 4 ngày thành mô hình bắt buộc, một số nguồn thạo tin cho biết.

Will Stronge, Giám đốc của Autonomy – một tổ chức tư vấn của Anh, cho rằng việc giảm tổng số giờ làm việc/tuần mới là trọng điểm mang lại lợi ích sức khỏe cho người lao động.

Về đề xuất làm việc 4 ngày/tuần của Bỉ, ông cho rằng đó chẳng qua chỉ là giảm số ngày làm việc trong tuần nhưng tăng thời gian làm việc mỗi ngày (từ 8 tiếng thành 9,5 tiếng).

“Vì vậy nó không hoàn toàn là một tuần làm việc ngắn hơn. Người lao động có thể sẽ không nhận được các lợi ích về sức khỏe và sự vui vẻ như khi giảm số giờ làm việc trong tuần", Stronge nhận định.

"Điều này cũng có nghĩa là chỉ có thể gia tăng năng suất ở mức tối thiểu, vì người lao động sẽ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là mệt mỏi hơn nhiều (khi thời gian một ngày làm việc kéo dài hơn)".

Thử nghiệm thành công “ngoài mong đợi” ở Iceland

Mô hình rút ngắn số ngày làm việc trong tuần đã từng được áp dụng thí điểm rất thành công ở Iceland, trong giai đoạn 2015-2017.

Mô hình làm việc 4 ngày/tuần ở Iceland đã giúp người lao động bớt căng thẳng hơn và giảm nguy cơ cảm thấy kiệt sức, trong khi không ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự cung ứng dịch vụ.

Tiêu điểm thế giới - Mô hình làm việc 4 ngày/tuần có thật sự ưu việt? (Hình 2).

Nhiều người lao động Iceland cho biết, tuần làm việc 4 ngày giúp cải thiện quan hệ gia đình. Ảnh: Euro News

Tại những nơi làm việc tham gia vào các cuộc thử nghiệm, năng suất lao động và tốc độ cung ứng dịch vụ vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí được cải thiện, theo một báo cáo về các cuộc thử nghiệm được công bố hồi tháng 7.

Các thử nghiệm được thực hiện vào năm 2015 và 2017 với 2.500 người lao động trong khu vực công, chiếm hơn 1% toàn bộ dân số lao động của Iceland.

Những người lao động tham gia mô hình thí điểm đã làm việc 35-36 giờ/tuần thay vì 40 giờ/tuần và nhận nguyên lương.

Thành công của thử nghiệm đã dẫn đến sự thay đổi trong giờ làm việc của nhiều người ở Iceland.

Sau khi các cuộc thử nghiệm kết thúc, các tổ chức công đoàn Iceland đã thương lượng lại các điều khoản hợp đồng, dẫn đến việc cắt giảm giờ làm việc cho hàng chục nghìn người lao động.

Tổng cộng, khoảng 86% lực lượng lao động của nước này đã chuyển sang thực hiện một tuần làm việc ngắn hơn, hoặc có quyền yêu cầu thời gian làm việc ngắn hơn, báo cáo cho biết.

Theo: Người Đưa Tin

Bạn đang đọc bài viết "Mô hình làm việc 4 ngày/tuần có thật sự ưu việt?" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)