Nga đang "đốt cháy giai đoạn" phát triển vaccine Covid-19?

12/08/2020 11:36

Bất chấp thông điệp khải hoàn từ Putin, giới chuyên gia vẫn lo ngại về vaccine Covid-19 của Nga cũng như mục đích nước này quyết "đi trước thế giới".

Tổng thống Vladimir Putin hôm nay tuyên bố Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một vaccine Covid-19, chỉ sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Giới chức hy vọng bước đột phá này sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang bị tổn hại nghiêm trọng vì đại dịch.

Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), so sánh việc tìm ra vaccine Covid-19 như "khoảnh khắc Sputnik" lịch sử, khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới lên vũ trụ vào năm 1957. Vaccine cũng được đặt tên là "Sputnik V", theo tên vệ tinh "Sputnik 1".

Tuy nhiên, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt vaccine này trước cả khi bắt đầu tiến hành bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người, được gọi là thử nghiệm Giai đoạn III. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định tiếp xúc với virus để theo dõi hiệu quả của vaccine, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.

Hiệp hội Các tổ chức Thử nghiệm Lâm sàng (ACTO), tổ chức thương mại đại diện cho những nhà sản xuất thuốc hàng đầu thế giới ở Nga, gần đây kêu gọi Bộ Y tế nước này hoãn phê duyệt vaccine Covid-19, cho tới khi bước thử nghiệm cuối cùng hoàn tất một cách thành công.

Trong một bức thư gửi lên chính quyền, ACTO chỉ ra rằng việc cấp phép cho một loại thuốc hay vaccine trước khi thử nghiệm Giai đoạn III diễn ra tiềm ẩn những rủi ro lớn.

Hình ảnh được Bộ Quốc phòng Nga cung cấp hôm 15/7 cho thấy các nhân viên y tế chuẩn bị lấy máu từ các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Quân đội Budenko, ngoại ô thủ đô Moskva. Ảnh: AP

"Chính trong giai đoạn này, bằng chứng quan trọng về hiệu quả của vaccine mới được thu thập, cũng như thông tin về những phản ứng gây hại có thể xuất hiện ở một số nhóm bệnh nhân nhất định, như người có hệ miễn dịch bị suy yếu", bức thư có đoạn.

Một số chuyên gia quốc tế cũng đặt câu hỏi về tốc độ Nga phê duyệt vaccine. "Thông thường, bạn cần số lượng người thử nghiệm lớn trước khi thông qua một loại vaccine. Tôi nghĩ thật liều lĩnh khi thông qua mà chưa kiểm nghiệm trên nhiều người", Peter Kremsner, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Tuebingen ở Đức, nêu ý kiến.

Duncan Matthews, giáo sư luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Queen Mary London ở Anh, cho rằng tin tức về một vaccine Covid-19 tiềm năng là đáng hoan nghênh, nhưng "an toàn phải được ưu tiên".

"Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng có các thủ tục phê duyệt nhanh cho mục đích nhân đạo khẩn cấp. Chúng ta cần xem xét bằng chứng cho thấy Nga đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng tương tự", Matthews bình luận.

Tổng thống Putin đưa mục tiêu tìm ra vaccine Covid-19 thành ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh Nga là một trong những vùng dịch lớn nhất thế giới. Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc cũng tham gia cuộc đua vaccine, với các chương trình nghiên cứu và chuỗi cung ứng được thành lập nhằm phục vụ việc sản xuất vaccine Covid-19. Hơn 100 loại vaccine tiềm năng đang được phát triển khắp thế giới, trong đó ít nhất 4 loại đang được thử nghiệm Giai đoạn III, theo WHO.

Các nhà phê bình cho rằng việc Nga quyết thắng cuộc đua vaccine một phần do áp lực chính trị từ Điện Kremlin, khi họ muốn khẳng định năng lực khoa học toàn cầu của Nga. Trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển thành công vaccine Covid-19 được cho là còn giúp nâng cao uy tín của đất nước, tô đậm vị thế cường quốc.

Nga bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người từ ngày 17/6 với 76 tình nguyện viên, bao gồm nhiều binh sĩ trong quân đội, làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể đã chịu áp lực phải tham gia.

Một sự việc khác được cho là thể hiện tham vọng của Nga diễn ra tháng trước, khi nhóm tin tặc APT29, vốn bị coi là một bộ phận của tình báo Nga, bị cáo buộc tấn công mạng những tổ chức nghiên cứu và phát triển vaccine phòng Covid-19 của ba nước Mỹ, Anh và Canada.

Giới chức tình báo Anh đánh giá đây là nỗ lực đánh cắp tài sản trí tuệ hơn là làm gián đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 17/7 "mạnh mẽ bác bỏ" những cáo buộc mà ông cho rằng vô căn cứ này. Ông Dmitriev hôm nay cũng một lần nữa phủ nhận mối nghi ngờ.

Peter Shapiro, nhà phân tích lĩnh vực dược tại công ty nghiên cứu GlobalData của Anh, tháng trước cho biết ngay cả khi Nga thông qua một loại vaccine Covid-19, nó cũng ít có khả năng được phương Tây chấp thuận.

"Các tiêu chuẩn quản lý ở Nga khá thấp. Chúng tôi thấy những vaccine được phát triển ở Nga thường không được công nhận trên các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và Tây Âu. Nga không phải nhà sản xuất lớn trong ngành xuất khẩu thuốc và sản phẩm sinh học chất lượng", Shapiro nhận định.

Tuy nhiên, trên thực tế, Nga đã đạt một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực vaccine, như điều chế thành công vaccine phòng Ebola đã được cấp phép tại Nga để dùng trong trường hợp khẩn cấp và được kỳ vọng sớm triển khai ở Congo. Họ cũng ngày càng tích cực thúc đẩy khả năng sản xuất vaccine ở châu Phi.

Bất chấp một loạt hoài nghi về việc "đốt cháy giai đoạn", Tổng thống Putin tuyên bố vaccine Covid-19 do Viện Gamaleya ở Moskva phát triển là an toàn, thậm chí một trong hai con gái ông đã được tiêm và cảm thấy khỏe mạnh.

"Tôi biết vaccine hoạt động khá hiệu quả, giúp hình thành khả năng miễn dịch mạnh mẽ. Tôi xin nhắc lại, nó đã trải qua tất cả bước kiểm tra cần thiết", ông chủ Điện Kremlin nói.

Bạn đang đọc bài viết "Nga đang "đốt cháy giai đoạn" phát triển vaccine Covid-19?" tại chuyên mục Môi trường. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)