Đằng sau vụ "bốc hơi" 50 tỷ USD
Các nền tảng mạng xã hội "nhà" Facebook bị sập đồng loạt vào hôm thứ Hai (4/10), bao gồm Facebook, Instagram, Messenger và WhatsApp.
Đây là sự cố có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về vấn đề kết nối mạng lưới internet toàn cầu. Chỉ trong 6 tiếng đồng hồ "bay màu", Facebook đã khiến nhiều hoạt động kinh doanh và truyền thông của 2,8 tỷ người dùng bị ảnh hưởng nặng nề.
Từ người Brazil khó tính cho đến người Nga thoải mái hay người Ấn Độ am hiểu internet, những người dùng Facebook đều ít nhiều chịu tác động từ sự cố bất ngờ này. Không chỉ thể hiện sức ảnh hưởng to lớn của mình, gã khổng lồ Facebook còn cho mọi người thấy mức độ "quyền lực toàn cầu" mình đang nắm giữ.
Đột nhiên bị sập, đế chế truyền thông mạng xã hội Facebook đã gây ra nhiều hệ quả to lớn về tài chính: Giá trị thị trường bay mất 50 tỷ USD (37 tỷ bảng Anh) bởi sự lo lắng của các nhà đầu tư, tài sản của ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg bị giảm 7 tỷ USD và hơn 13 triệu USD bị bốc hơi từ các hoạt động quảng cáo - nguồn thu chính yếu, bị thất thoát theo mỗi giờ trong lúc sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, không chỉ các nhà đầu tư hay doanh nghiệp, rất nhiều người trong số 2,8 tỷ tài khoản sử dụng các nền tảng này để kinh doanh và kết nối cũng cảm thấy bị ảnh hưởng.
Sự việc diễn ra đúng lúc nhiều người đặt câu hỏi về vị trí độc quyền mà Facebook đang có trong thị trường truyền thông hiện đại, cũng như khi gã khổng lồ này đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao từ các cơ quan chức năng.
Thêm vào đó, những cáo buộc vô cùng quyết liệt của Frances Haugen - một cựu nhân viên Facebook, là người đã tiết lộ các báo cáo về ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội này.
Ông Mike Proulx, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Nghiên cứu thị trường Forrester, Phó Chủ tịch trụ sở tại Hoa Kỳ, bày tỏ: "Sự cố lần này cho thấy cách Facebook và mạng lưới rộng khắp của nó liên quan đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta ra sao. Nó thống trị trên cả những nền tảng không phải là Facebook, đó là dữ liệu của toàn thế giới."
Quốc gia nào bị phụ thuộc nhiều nhất?
Khi Facebook được sáng lập vào năm 2004 bởi các sinh viên của Trường Đại học Harvard, nó ngay lập tức phát triển thành một tập đoàn công nghệ truyền thông khổng lồ. Ứng dụng này nhanh chóng được cài đặt trên mọi thiết bị điện thoại thông minh.
Theo nghiên cứu của Forrester, hình ảnh chụp nhanh trạng thái dữ liệu ở một thời điểm nhất định cho thấy tại các quốc gia, như: Hoa Kỳ, các khu đô thị chính của Ấn Độ, nước Úc và Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý có mức độ sử dụng Facebook và các nền tảng "chung nhà": Instagram và WhatsApp cao hơn rất nhiều, bỏ xa các đối thủ khác.
Cuộc khảo sát cho thấy người dùng sử dụng dịch vụ do Facebook cung cấp ở những quốc gia này ít nhất một lần mỗi tuần và cao hơn gấp 3, thậm chí gấp 4 lần so với các ứng dụng Snapchat, Twitter, TikTok hoặc LinkedIn.
Brazil và Mexico là hai quốc gia có tỉ lệ phụ thuộc mạng xã hội Facebook cao nhất trên thế giới, tương ứng với 95% và 98% trong tổng số người có sử dụng tài khoản mạng xã hội - điển hình của khu vực Mỹ Latinh, nơi 85% người dùng internet có tài khoản mạng xã hội và thường xuyên phải phụ thuộc vào các dịch vụ của nó, so với khu vực Tây Âu chỉ có hơn 50% số người dùng internet.
Tại Ấn Độ, sự cố sập web xảy ra vào ban đêm, khiến quốc gia này bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc rất lớn vào hệ sinh thái kinh doanh và truyền thông trên Facbook. Với 500 triệu người dùng WhatsApp, Ấn Độ hiện tại là thị trường lớn nhất cho ứng dụng nhắn tin toàn cầu này.
Ở nhiều quốc gia, sự kết hợp của phạm vi kết nối vô song từ Facebook và các công cụ liên kết dùng để giao tiếp với người mua hàng như Whats App và Messenger đã tạo ra cơ hội tiếp thị và mua bán các sản phẩm một cách hiệu quả, phục vụ lĩnh vực thương mại điện tử cho hàng chục triệu doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn.
Callum Sillars, chuyên gia truyền thông xã hội tại Ampere Analysis, cho biết: “Các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Mexico và Brazil đã tin tưởng vào các dịch vụ nhắn tin miễn phí, chúng rất thông dụng ở những quốc gia này.
Các doanh nghiệp nhỏ và người bán hàng online đặc biệt dựa vào các dịch vụ của Facebook để tiếp thị sản phẩm. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, có nhiều lựa chọn dự phòng hơn để liên lạc trong thời gian Facebook ngưng hoạt động, nhưng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp ở các quốc gia đang phát triển, những quốc gia đang phụ thuộc phần lớn vào Facebook thì không được như vậy".
Các quốc gia “vô hại”
Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia gần như không bị tổn hại gì. Trong khi câu chuyện của Facebook đang gây xôn xao dư luận toàn cầu thì dường như ở Trung Quốc, nơi mà Facebook và các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon không được phép hoạt động, lại sở hữu riêng cho mình các nền tảng mạng xã hội nội địa.
Điều đáng nói là tính năng của các nền tảng này thậm chí đã vượt khỏi nhu cầu cơ bản như chia sẻ hình ảnh và kết nối bạn bè.
Nga từ lâu đã cảnh giác với các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài, có sẵn các lựa chọn thay thế trong nước mạnh mẽ như VKontakte (VK) và OdnoKlassniki, vốn phổ biến hơn rất nhiều với công dân nước này. Theo số liệu từ eMarketer, chỉ 8,8% người dùng mạng xã hội Nga có tài khoản Facebook, một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy, nơi chỉ có 25% và 36% người dùng mạng xã hội có tài khoản Facebook, trong khi họ sở hữu tài khoản riêng trên các nền tảng khác.
Tuy nhiên, những ngoại lệ này là rất ít và sự cố ngưng hoạt động vừa qua của Facebook đã nêu lên tình trạng bị phụ thuộc của của người dùng internet toàn cầu vào các sản phẩm cũng như dịch vụ mà nền tảng truyền thông khổng lồ này cung cấp.
Theo Sillars: “Các dịch vụ của Facebook bị mất kết nối đã cho thấy sự phụ thuộc quá mức của nhiều quốc gia. Tác động của việc tạm ngưng hoạt động càng lớn thì sẽ càng có nhiều lý do để các quốc gia cân nhắc đến việc cần thêm các đối thủ cạnh tranh khác, hoặc muốn hướng tới vị trí độc quyền trên mạng lưới internet."
Theo: Người Đưa Tin