Việt Nam và nguy cơ "chưa giàu đã già": Từ góc nhìn của WB và JICA

04/10/2021 10:40

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và JICA cho thấy dân số Việt Nam đang già hóa nhanh, gây ảnh hưởng lâu dài về kinh tế nếu không có chính sách kịp thời.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo “Việt Nam: Thích ứng với xã hội già hóa”, được thực hiện cùng JICA Việt Nam. Báo cáo này đã chỉ ra rằng, nếu không có các chính sách toàn diện và kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” - dân số già hóa nhanh khiến tỉ lệ lực lượng lao động bị thu hẹp trong khi thu nhập bình quân chưa đạt mức tương đương các nước phát triển. 

Cơ cấu dân số vàng đang dần đóng lại

Báo cáo mới của WB đã khẳng định lại một thực tế mà các cơ quan thống kê đã cho thấy trong những năm gần đây - cơ cấu dân số vàng, trong đó số người trong độ tuổi lao động (15-64) lớn gấp đôi số người phụ thuộc và tổng tỉ lệ phụ thuộc nhỏ hơn 50% - đang tiến sang nửa còn lại và sẽ kết thúc vào khoảng năm 2042. 

Toàn cảnh - Việt Nam và nguy cơ 'chưa giàu đã già': Từ góc nhìn của WB và JICA

Cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam, dự báo đến năm 2100. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Cụ thể hơn, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh năm 2014, qua đó bắt đầu quá trình già hóa. Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già từ khoảng năm 2035. Đến năm 2049, theo kịch bản mức sinh trung bình, dự đoán đến năm 2049, số người cao tuổi (trên 65 tuổi) ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 18,1% dân số. 

Dù có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn so với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam lại đang nằm ở trình độ phát triển sớm hơn và thu nhập trung bình thấp hơn các nước có cơ cấu tương đương, có nghĩa là mục tiêu đạt thu nhập ở mức trung bình và vượt cao hơn sẽ càng khó khăn - một hiện tượng thường được tóm tắt là “chưa giàu đã già”.  

Ảnh hưởng kinh tế từ dân số già

WB cho rằng, nếu không có các cải cách kịp thời, dân số già hóa nhanh sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam chậm lại. Kịch bản cơ sở sử dụng tham số trong 15 năm trở lại đây dự báo rằng tăng trưởng giai đoạn 2020-2050 sẽ giảm 0,9% so với 2005-2019, xuống khoảng 5%/năm vào năm 2050. 

Toàn cảnh - Việt Nam và nguy cơ 'chưa giàu đã già': Từ góc nhìn của WB và JICA (Hình 2).

Các kịch bản tăng trưởng của Việt Nam đến năm 2050. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Thêm vào đó, tình trạng già hóa dân số cũng có thể gây thêm áp lực tài khóa do giảm nguồn thu từ thuế thu nhập và tăng chi cho giáo dục, hạ tầng và y tế. Tùy từng kịch bản, già hóa dân số có thể đòi hỏi chi bổ sung 1,4-4,6% GDP, gây mất cân đối tài chính và đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nợ công đã ở mức cao. 

Toàn cảnh - Việt Nam và nguy cơ 'chưa giàu đã già': Từ góc nhìn của WB và JICA (Hình 3).

Mức tăng chi phí tài khóa do các chương trình xã hội đến năm 2050 theo 3 kịch bản dự báo. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Khuyến nghị của WB và kinh nghiệm từ Nhật Bản

WB cho rằng với một khung thời gian ngày càng ngắn để đối phó với hệ quả của dân số già hóa nhanh, chính phủ Việt Nam cần quyết liệt trong soạn thảo và triển khai các chính sách đối phó. Bản thân WB trong báo cáo này đã đưa ra một danh sách khuyến nghị toàn diện.

Các khuyến nghị của WB bao gồm đầu tư vốn nhân lực công bằng và lâu dài, cải cách chính sách lao động nhằm thích ứng cơ cấu dân số và tận dụng tiềm năng công nghệ, tăng hiệu quả chi tiêu công và cải thiện dịch vụ công, cùng với đó là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, cho rằng cần chú trọng đầu tư cho con người nhằm nâng năng suất lao động, xây dựng hệ thống hưu trí vững mạnh và có độ phủ rộng, và xây dựng các dịch vụ hỗ trợ y tế và các nhu cầu khác cho người cao tuổi.

Báo cáo này cũng khuyến khích học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có dân số già hóa, cụ thể là Nhật Bản - một quốc gia đã có dân số trên 65 tuổi ở mức 20% từ khoảng năm 2004-2005. Nhận thức sớm được nguy cơ già hóa nhanh, chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều giải pháp chính sách từ thập niên 60 của thế kỷ trước, bao gồm cải cách phúc lợi cho người cao tuổi, nỗ lực tăng tính bền vững và hiệu quả của chi tiêu y tế, và thúc đẩy các chính sách an sinh cho người cao tuổi được tích hợp vào cộng đồng. 

Theo ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam, Nhật Bản đã trải qua cả thành công và cay đắng trong quá trình thích ứng với dân số già hóa. Ông Shimizu hy vọng bài học từ Nhật Bản có thể giúp Việt Nam ứng phó với nguy cơ già hóa và tìm cách thu được lợi ích từ quá trình này.

Theo: Người Đưa Tin

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam và nguy cơ "chưa giàu đã già": Từ góc nhìn của WB và JICA" tại chuyên mục Nhìn thẳng nói thật. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)