Cách ly F1 tại nhà là có căn cứ khoa học
Phát biểu tại họp báo vào tối 21/7 của ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, lãnh đạo sở Y tế TP. khẳng định “dù cho tình hình phức tạp thì vẫn đảm bảo công tác điều trị cho số ca nhiễm dịch bệnh”.
Theo đó, sở Y tế TP.HCM được sự giúp đỡ của các Sở ngành nên đã có được 35 bệnh viện điều trị Covid-19. Trong đó đã có thêm 10 bệnh viện dã chiến, nâng tổng số thành 13 bệnh viện dã chiến.
TP.HCM có chính xác 35.132 bệnh nhân đang điều trị. Trong khi đó, ngành y tế thành phố có tổng số giường là hơn 59.000 giường. Như vậy số giường dự phòng được đảm bảo.
Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nói: “Rất phấn khởi khi số bệnh nhân xuất viện vừa qua là 4.837 trường hợp. Với tình hình điều trị hiện nay thì trong thời gian tới, có thể số người xuất viện sẽ tăng lên, dự kiến hơn 1.000 ca mỗi ngày”.
Từ đầu năm đến nay, số người tử vong do Covid-19 tại TP.HCM là 32 trường hợp. Qua thống kê của sở Y tế TP., đa số nhóm này có bệnh nền là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, tiểu đường,…
Nói về việc cách ly F1 tại nhà, ông Hưng cho biết, bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể để một số quận, huyện của TP.HCM thực hiện thí điểm. UBND TP.HCM đã giao sở Thông tin - Truyền thông phối hợp sở Y tế xây dựng phần mềm giám sát sự tuân thủ của người bị cách ly. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho cả F1 lẫn tổ công tác giám sát (chính quyền, y tế).
Riêng về cách ly tập trung F0 tại từng quận, huyện và TP.Thủ Đức, việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 2407/UBND- VX của UBND TP.HCM ngày 21/7/2021.
Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các trường hợp F0 (có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR dương tính) và không có triệu chứng lâm sàng, không kèm bệnh lý nền hoặc nếu có bệnh lý nền thì đã được điều trị ổn định, không béo phì.
Ngoài ra, những trường hợp F0 mới được phát hiện không có triệu chứng lâm sàng, có thể được xem xét cách ly tại nhà khi kết quả xét nghiệm PCR với giá trị CT>30 (tải lượng virus rất thấp) vì nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất thấp.
Trả lời chi tiết hơn về việc này, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM chỉ ra kinh nghiệm chống dịch trên thế giới. Khi số ca dương tính tăng lên sẽ tạo áp lực lớn cho ngành y tế. Điều tất yếu là tỷ lệ tử vong cũng tăng lên. Điều đó là chưa kể đến tính chất của biến chủng Delta là lây lan rất nhanh.
“Chúng ta cần có chiến lược, quyết sách phù hợp. Đây là cuộc chiến nên không thể cứ theo một kiểu mà phải uyển chuyển linh hoạt thực hiện mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân”, ông Hưng phân tích.
Không chỉ giải quyết chỗ ở cho người cách ly tập trung, giảm bớt gánh nặng ngành y tế mà việc cách ly F1 tại nhà còn dựa vào căn cứ khoa học.
Biến chủng Delta lây nhanh nhưng có điểm sáng là số người mắc bệnh không có triệu chứng chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%. Những người này không phải lúc nào cũng cần được chăm sóc y tế. Chính vì vậy, bộ Y tế đã chỉ đạo TP.HCM phân tầng điều trị.
“Không phải tất cả bệnh nhân đều giống nhau mà tùy theo mức độ nặng nhẹ, triệu chứng để quyết định phù hợp. Việc cách ly F1 tại nhà hay rút ngắn thời gian điều trị F0 bao giờ cũng đi kèm nhiều điều kiện nghiêm ngặt”, ông Hưng nhấn mạnh.
Không nên phân biệt các loại vaccine
Về đợt tiêm chủng sắp tới, đại diện sở Y tế TP.HCM cho biết các đơn vị đang “khởi động chiến dịch” với hơn 930.000 liều vaccine. Chiến dịch dự kiến kéo dài từ 2 - 3 tuần, có thể kéo dài thêm để đảm bảo giãn cách và an toàn.
“Rút kinh nghiệm sâu sắc từ đợt trước, chúng ta phải chuẩn bị kỹ. Khi nào chuẩn bị chưa tốt thì chưa triển khai. Nói như thế không phải chúng ta chậm trễ nhưng yếu tố an toàn cần đặt lên hàng đầu, tránh lây nhiễm tại điểm tiêm”, ông Hưng đánh giá.
Thời gian bắt đầu từ 22/7 sẽ tổ chức đồng loạt chiến dịch tiêm chủng tại các quận huyện, TP.Thủ Đức. Dự kiến mỗi phường/xã có ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày.
Những người lớn tuổi và bệnh nền sẽ được tiêm vaccine tại các bệnh viện. Sở Y tế đã giao trung tâm Cấp cứu 115 bố trí xe cấp cứu tại các điểm tiêm để hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.
Danh sách đăng ký tiêm chủng sẽ giao cho quận huyện tập hợp. Đối với bệnh nhân có bệnh nền, các bệnh viện sẽ gửi danh sách về sở Y tế nhập vào phần mềm do sở Thông tin - Truyền thông quản lý. Người trên 65 tuổi sẽ do địa phương thống kê.
Các đối tượng khác (người yếu thế, gia đình chính sách,…) sẽ do các sở, ngành phối hợp địa phương để rà soát. Tất cả được quản lý phần mềm để tránh tối đa sự can thiệp không đúng.
Đề cập đến hiện tượng người dân “kén chọn” các loại vaccine, phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nhận xét: “Về mặt tạo kháng thể để miễn dịch, mỗi loại dựa trên những nghiên cứu khác nhau nhưng tất cả đã được tổ chức thế giới công nhận tính hiệu quả và an toàn”.
Lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cũng thẳng thẳn cho rằng, trong công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương là không hề phân biệt các thành phần nhân viên y tế khác nhau.
Dù là công lập hay ngoài công lập cũng đều có quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Nhưng tùy theo mỗi giai đoạn và nhu cầu về lực lượng phòng chống dịch mà sở Y tế sẽ điều phối linh hoạt cho từng nhiệm vụ.
Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật