Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định sự ghi nhận của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam.
Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhận loại
Ngày 15/12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 13-18/12 tại Paris, hồ sơ nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam đã được vinh danh cùng với 48 hồ sơ khác.
Theo Ủy ban liên chính phủ, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa trong Công ước 2003; việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của quốc gia thành viên đề cử di sản như được quy định trong Công ước 2003.
Xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và công việc. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Có ba loại Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và Xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng, như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, và Xòe hoa. Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Xòe được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học, trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Xòe được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng tới tất cả mọi người với mọi lứa tuổi và giới tính khác nhau. Trẻ em học Xòe từ ông bà, cha mẹ. Các thầy cúng truyền dạy Xòe cho các con nuôi. Các nghệ nhân và những người thực hành Xòe còn truyền dạy trong các đội văn nghệ, các trường phổ thông và trường nghệ thuật. Xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết đến, Xuân về, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái cởi mở cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người.
Ở cấp độ địa phương, sự ghi danh của UNESCO sẽ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Xòe Thái, cũng như về di sản văn hóa nói chung của cộng đồng. Sự ghi danh sẽ thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại. Ở cấp độ quốc gia, sự ghi danh này sẽ nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những truyền thống vũ đạo tương tự trong các vùng khác ở Việt Nam; tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Sự ghi danh khẳng định chính sách bảo vệ và tôn trọng các biểu đạt văn hóa. Ở cấp độ quốc tế, sự ghi danh của UNESCO sẽ nâng cao tầm nhìn về Di sản Văn hóa phi vật thể nói chung.
Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cộng đồng thực hành nghệ thuật Xòe Thái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, đại diện cộng đồng, chính quyền các cấp đã phát biểu đáp từ và cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, cảm ơn Hội đồng thẩm định, các thành viên của Ủy ban Liên Chính phủ, Ban Thư ký đã làm việc tận tình để ghi danh di sản này của Việt Nam.
T/H