Bí ẩn vật thiêng
Trong câu chuyện về luật tục của dân tộc mình, già làng K'Tiếu tiết lộ, ông là người hiếm hoi còn giữ lại được chiếc ché có tuổi đời vài trăm năm. Ông cho biết, chém hay còn gọi là chum trong văn hóa tâm linh của người K'ho là vật dụng vô cùng quý giá và linh thiêng. "Ché là vật vô cùng quý giá, vô cùng thiêng liêng đối với gia đình tôi nói riêng và người dân tộc K'ho nói chung. Tuy tôi không biết nguồn gốc xuất xứ của ché đến từ đâu, bao giờ nhưng mọi hoạt động tâm linh của gia đình tôi đều xoay quanh ché", già K'Tiếu nói.
Khẳng định độ tuổi ngoài trăm năm của những chiếc ché mình đang cất giữ, già K'Tiếu cho biết, chiếc ché cao khoảng 1m, màu nâu đen có mặt tại gia đình ông từ trước thời ông bà ông về làng Duệ. Già làng K'Tiếu nói: "Khi tôi sinh ra nhà đã có ché này rồi. Ông bà, cha mẹ tôi cũng kể lại rằng, khi có mặt tại làng Duệ, ông bà cũng đã thấy ché. Nếu như thế, ché này cũng ngoài 200 - 300 trăm năm tuổi rồi. Tôi không biết ché từ đâu mà có chỉ biết, khi nó có mặt trong nhà, nhà tôi đã cúng nó rồi, nó thành cái hồn của nhà tôi rồi. Ché quý lắm, người K'ho chúng tôi có câu một mạng người 2 con trâu mới được một cái ché".
Ghi nhận thực tế, PV được biết có nhiều lời giải cho nguồn gốc xuất xứ của ché trong cộng đồng người dân tộc K'ho tại huyện Di Linh. Tuy nhiên, một trong những lời giải được cho là thuyết phục nhất đến từ ông K'Mun Sơn (ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh), người được biết đến như kỷ lục gia về ché. Ông Sơn cho biết, ông cũng không biết hơn 30 chiếu ché cổ của gia đình đã bao nhiêu tuổi. Ông chỉ biết rằng từ lúc sinh ra, ông đã thấy nó ở đó rồi. Gia đình ông cũng không mua thêm. "Ông bà tôi cũng nói, lúc ông bà sinh ra đã thấy ché, đã được làm lễ cúng ché. Chắc là phải xa xưa lắm, ông bà để lại cho cha mẹ tôi, cha mẹ tôi để lại cho tôi và tôi sẽ để lại cho con cháu", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, những câu chuyện, giai thoại xung quanh bộ ché cổ, ông đều nằm lòng. Ông cho biết, người K’ho không biết chế tác đồ gốm nên phải lặn lội, băng rừng vượt suối đi cõng ché về từ những miền đất khác. Ông kể: “Ngày trước, nghe ông bà kể, để được sở hữu những chiếc ché này, ông bà đã phải đổi bằng nhiều tiền, trâu bò và cồng chiêng. Thế nhưng, việc trao đổi cũng rất khó khăn, không phải nơi nào cũng có ché để cha ông trao đổi. Nghe ông bà truyền lại, để có ché, ông bà phải cùng nhau gùi thức ăn băng rừng, lội suối xuống Phan Thiết đổi đem về. Đó là cả một hành trình dài và gian khổ chứ không như bây giờ. Người xưa phải đi 7 ngày, 7 đêm, đói thì ăn rau rừng, ăn khoai, ăn sắn, … để sống. Mệt thì vào hang, dựng lán mà ngủ. Khi đổi được ché rồi, người xưa lại cõng ché về theo cách như vậy. Nhưng khi về, người xưa bỏ thêm mắm muối, thức ăn vào ché để cõng, gùi về buôn chia cho bà con”.
“Hồn thiêng” của người K’ho
Theo tìm hiểu của PV, ché có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người K'ho. Để có được ché quý, gia chủ phải đổi bằng trâu, dê, voi có ngà dài… Loại vật dụng này cũng được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tin là nơi trú ngụ của các vị thần. Do đó, ché có "hồn thiêng". Khẳng định thông tin này, già làng K'Tiếu nói: "Ché như một vị thần trong mỗi gia đình người K'ho. Nói cho đúng là người dân chúng tôi lấy ché làm vật tượng trưng, thay thế cho cái hồn, thần trong gia đình. Người K'ho trước đây, khi muốn cầu xin điều gì cũng phải cúng ché để cầu xin”.
Tuy nhiên, để ché linh thiêng, có hồn, người ta phải thực hiện lễ cúng ché. Về buổi lễ linh thiêng này, ông K’Mun Sơn chia sẻ: “Ché về buôn làng, gia chủ phải thực hiện nghi thức cúng mừng ché. Người ta lấy một con gà trống hoặc một con dê, một ché rượu cần, trứng gà, cơm từ lúa mới, chuối chín,… để soạn lễ cúng mừng ché mới. Sau đó, chủ nhà sẽ cắt tiết con gà hoặc con dê rồi lấy máu bôi lên miệng ché. Tiếp đến, chủ nhà đọc bài khấn rước thần ché về nhập vào ché. Sau những nghi thức rước thần ché, gia chủ bắt đầu mang ché vào nhà đặt ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách, rồi mời tất cả những người tham gia cúng mừng ché ăn mừng. Lúc này, ché đã mang linh hồn của gia đình gia chủ, thần linh cũng đã ngự trị trong ché và sẽ theo, bảo vệ gia chủ”.
Đồng quan điểm, già làng K’Tiếu khẳng định, sau khi có ché trong nhà, các dịp lễ, tết, gia chủ luôn phải làm lễ cúng. Lúc này, người ta đặt ché ông, ché bà phía trước bàn thờ. Sau đó, tiến hành soạn lễ, thức ăn, rượu trước ché để cúng. Được xem là vật chứa đựng linh hồn tổ tiên, gia đình, nơi các vị thần linh ngự trị nên nếu lỡ may gia chủ làm đổ, vỡ ché, gia đình phải tiến hành lễ cúng để tiễn đưa. Già làng K’Tiếu thông tin, đối với ché quý, nhiều năm tuổi, lỡ may bị làm vỡ, người nhà phải soạn lễ cúng bằng một con gà. Mục đích của việc này là để xin lỗi và tiễn đưa hồn thiêng trong ché về nơi khác. Sau khi cúng, gia chủ mới được phép đưa những mảnh vỡ của ché ra khỏi nhà.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài mang ý nghĩa tâm linh, chum, ché trong cộng đồng dân tộc K’ho còn là biểu tượng của sự sung túc, uy tín, sức mạnh của người sở hữu. Già làng K’Tiếu nói: “Ngày trước, không phải gia đình K’ho nào cũng có ché. Người ta mua ché để thể hiện với thiên hạ này năng lực kinh tế, sự giàu có của mình. Nhà nào có chum, có ché là có tiếng nói, có uy tín trong buôn làng. Ai càng có nhiều ché, người đó càng được tôn trọng, tôn sùng. Thế nhưng, khi đã thờ, lưu giữ nhiều ché, người sở hữu càng phải uy tín, không được đánh mất lòng tin của người dân, không được làm chuyện bậy bạ. Nếu không, ché sẽ mất thiêng, con cháu đời sau của người này sẽ nghèo đói, bệnh tật”.
Ngày nay, đời sống người K’ho phát triển theo nền kinh tế thị trường, tục thờ ché cùng dần lui vào quá khứ. Các ché cổ cũng lu mờ dần tính thần thánh thiêng liêng và trở thành vật trang trí trong nhà. Ngoài ý nghĩa là vật phẩm gắn bó với văn hóa tâm linh của dân tộc mình, hiện nay, nhiều người K’ho chỉ lưu giữ ché như kỷ vật của cha ông để lại chứ không xem loại vật dụng này là linh vật như trước.
Ngay cả già làng K’Tiếu cũng cho biết, ông nhất quyết không bán ché cổ vì xem đây là kỷ vật của cha ông, dòng họ. Ông lưu giữ hơn chục ché cổ trong nhà như một lời nhắc nhở con cháu nhớ về những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Thông qua những chiếc ché cổ, ông cũng muốn lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đang dần mai một.
Không bao giờ mất giá trị
Theo ông K’Mun Sơn cũng như già làng K’Tiếu, ché trong cộng đồng người K’ho chưa bao giờ mất đi giá trị. Nếu như trước đây, người K’ho xem ché là vật thiêng, phải đổi bằng hàng chục con trâu, bò để có được thì ngày nay, ché cổ trở thành món hàng ưa thích của giới buôn đồ cổ. Nhiều ché cổ trong cộng đồng người dân tộc Tây Nguyên biến mất bởi rơi vào tay dân buôn đồ cổ chuyên nghiệp. Ông K’Mun Sơn chia sẻ, ông liên tục nhận được đề nghị bán ché với giá “trên trời”. Có người trả cặp ché ông ché bà đến mấy chục triệu, cặp ché mặt trăng, mặt trời họ trả đến 200 - 300 triệu đồng. Trong khi đó, dù đã nhiều lần quyết không bán nhưng ông K’Tiếu vẫn luôn bị giới buôn đồ cổ “làm phiền” bằng cách liên tục tăng giá mua 2 chiếc ché cổ ở nhà.