Lăng bị san phẳng và cắm 8 chữ
Sau biến cố loạn đảng Lê Văn Khôi và đồng đảng thì Lê Văn Duyệt, dù đã mất nhưng vẫn bị lên án và buộc tội đã gián tiếp gây nên vụ biến loại này. Vua Minh Mạng hết sức tức giận và ra chỉ dụ san phẳng mộ Ông, đồng thời, trên đó cho cắm tấm bia đá dựng lên, với 8 chữ: Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội).
Xin nói một chút về Lê Văn Khôi. Theo tài liệu mà PV báo ĐS&PL có được, ông vốn người Cao Bằng, có tên thật là Nguyễn Nghê, còn được gọi là Hai Khôi, Nguyễn Hữu Khôi. Ông cũng được triều đình cho là khởi binh, làm loạn và bị quan quân đánh đuổi nên chạy vào Thanh Hóa. Khi Lê Văn Duyệt kinh lược tại đây thì Khôi xin gặp đầu thú, từ đó, Lê Văn Duyệt tin dùng và nhận làm con nuôi, đổi tên là Lê Văn Khôi.
Khi Minh Mạng lên ngôi vua không ưa gì Lê Văn Duyệt, bởi công lao và uy quyền của ông quá lớn. Trước đó, Lê Văn Duyệt cũng khuyên vua chọn con của Hoàng tử Cảnh, chứ không phải là Minh Mạng kế ngôi, do đó, càng tức thêm. Vì vậy, sau khi Lê Văn Duyệt mất (1832), vua Minh Mạng đã giành lại quyền lực của mình ở Gia Định.
Biểu hiện rõ nhất là bãi bỏ chế độ Tổng trấn và chia thành 6 tỉnh, gồm: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên trực thuộc vào triều đình ở Huế. Thâu tóm quyền lực xong, Minh Mạng cũng cắt cử người trông coi, trong đó cử Bạch Xuân Nguyên làm Bố chính Thành Phiên An.
Ngay khi vào thành Phiên An, Bạch Xuân Nguyên theo mật lệnh của nhà vua, đã truy xét việt riêng của Lê Văn Duyệt. Ngay lập tức: vợ, con, thủ hạ thân tín của ông bị bắt, trong đó có Khôi. Trong lúc bị giam, Khôi đã bày mưu tính kế với những người cùng phe cánh để khởi binh chống lại triều đình. Liên hệ được với những người bên ngoài thì Khôi quyết định nổi dậy, đứng lên tấn công vào thành Bát Quái.
Vào đêm 5/7/1833 cùng với 27 người lính hồi lương (có tài liệu ghi là 60 người lính) vào dinh quan bố, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên, người trực tiếp lo vụ án Lê Văn Duyệt. Chiếm Thành Bát Quái, Lê văn Khôi cho đổi tên là Thành Phiên An. Trãi qua nhiều biến cố, sau khoảng hơn 2 năm chiếm Thành, đến ngày 8/9/1835 thì bị quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào Thành.
Cổng Tam quan như ở nhiều đình, chùa, miếu mạo khác.
Quân nổi dậy chống cự không nổi, Thành thất thủ. Già trẻ, gái trai bị bắt ở trong thành đều bị chém chết và chôn chung một chỗ (có tài liệu ghi 1.831 người), sau này gọi là Mả Ngụy. Về vị trí của nấm mồ chung này đến nay vẫn chưa ai biết chính xác. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì nó nằm tại khu vực đường 3/2 - Công trường Dân Chủ (quận 3) ngày nay. Mả Ngụy cũng là nơi chôn những người bị chết trận và những người bị vua Minh Mạng hành quyết?.
Phải đến đầu năm Tân Sửu (1841), Vua Thiệu Trị lên ngôi mới cho dẹp bỏ trụ đá và đắp lại ngôi mộ đàng hoàng. Mất khoảng 7 - 8 năm sau đó thì Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn mới dâng sớ xin vua Tự Đức phục hồi quan tước gia ơn cho con cháu các công thần, trong đó có Lê Văn Duyệt. Xem sớ xong, Vua hết sức cảm động đồng thời cũng cho đắp mộ phần thêm cao ráo và rộng rãi ra.
Chôn cùng Bà Chiểu?
Đến năm những năm đầu thế kỷ XX, khi Hội Thượng Công Quý Tế được thành lập thì việc tổ chức cúng tế Tả quân mới được tiến hành đều đặn với quy mô lớn và cũng bắt đầu từ đó, họ tiến hành trùng tu xây dựng thêm. Đến nay, quan sát của PV, tại Lăng mộ Tả quân còn có bảng vàng ghi công đức những người đã đóng góp tiền của xây dựng Lăng từ năm 1937.
Một thủ từ trong Lăng Ông cho biết: “Đến nay hầu hết là những người đóng góp có tên trên bảng này đã qua đời, hiện còn con cháu của họ vẫn tiếp tục đến cúng bái, thờ phụng và tiếp tục đóng góp”. Ngày nay, Lăng Ông có 4 cổng ra vào, trong đó, cổng chính nằm ở phía Nam (đường Vũ Tùng ngày nay). Cổng chính được thiết kế theo cổng tam quan như ở nhiều đình, chùa, miếu mạo khác.
Lăng Ông ngày nay được xây dựng vào năm 1949, từng được xem là biểu tượng của Sài Gòn nói riêng và cả miền Nam nói chung về kiến trúc. Lăng được thiết kế theo 3 phần: Sau cổng Tam quan là văn bia, khu mộ phần và điện thờ cúng. Trong đó, Văn bia do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết vào năm Giáp Ngọ (1894), bằng chữ Hán, đồng thời, cũng đã dịch ra theo ngôn ngữ ngày nay để nhiều người biết được công trạng của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Kế đến là 2 ngôi mộ giống nhau và tiếp đó là đến điện thờ cúng Tả quân. Bên trái có bàn thờ Hiệp biện Đại học sỹ Phan Thanh Giản. Theo những người quản lý di tích, mãi đến năm 1975 mới có thêm pho tượng của Tả quân. Điều đặc biệt là pho tượng này được lấy nguyên mẫu Tả quân Lê Văn Duyệt in trên tờ tiền 100 đồng, lưu hành tại Sài Gòn trước năm 1975.
Như nhiều người đã biết, Tả quân Lê Văn Duyệt là vị Tổng trấn Thành Gia Định xưa, thế nhưng chẳng biết tự bao giờ, người dân lại gọi Lăng Ông gán với “Bà Chiểu”?. Hiện nay, kế bên Lăng Ông cũng là chợ Bà Chiểu nên nhiều người lầm tưởng rằng, nơi đây an táng Tả quân và Bà Chiểu!.
Nhiều người đến cúng bái tại Lăng Ông.
Theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn “Một mảnh tình riêng” thì: Tên Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên. Cũng như ở quận Thủ Đức, TP.HCM ngày nay, có vùng đất tên là Linh Chiểu.
Lăng Ông ngày nay nằm trọn trong 4 con đường là: Phan Đăng Lưu, Đinh Tiên Hoàng, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Theo Ban quản lý di tích thì ngày thường có khoảng 100 đến 200 người đến tham quan, cúng bái. Còn dịp mùng 1 và ngày rằm hàng tháng thì lượng người rất đông, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán, có khi lên đến hàng ngàn người.
Vẫn chưa rõ mộ phần?
Về phần mộ, đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn, bởi, tại Lăng Ông ngày nay còn là 2 ngôi mộ song táng, được cấu tạo giống nhau. Tài liệu con ghi: “Lăng mộ Tả quân lê Văn Duyệt là nơi có kiến trúc cổ nhất được tồn tại ổn định từ năm 1848, nằm song song với mộ Ông là mộ của Chánh Thất Tả Quân phu nhân, Đỗ Thị Phẫn (Phận)”.
Quan sát có thể thấy hình dạng 2 ngôi mộ như quả trứng ngỗng, được xẻ theo chiều dọc, úp trên bề mặt là hình chữ nhật. Một số ý kiến cho rằng, mộ này được gọi là mộ Quy (tức là ngôi mộ có hình dáng như con rùa) đang nằm.
Xung quanh ngôi mộ đều có khoảng trống, đặc biệt ở phía trước có khoảng trống rộng để làm lễ cúng bái. Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng, mộ của Lê Văn Duyệt nằm ở bên phải, còn bên trái là mộ của phu nhân. Bao quanh 2 phần mộ này là bức tường vòng quanh, xây bằng đá ong dài.
Ngoài ra, ở khu mộ này còn có mộ phần của 2 cô hầu. Tuy nhiên, sau thời điểm Lê Văn Khôi thì mộ phần của 2 cô hầu có lẽ đã bị phá hủy?. Cho nên đến nay, theo quan sát của PV cũng không còn nữa và cũng ít ai biết được là họ tên, ngày sinh và ngày mất của 2 cô hầu này. Đến nay, cũng không thấy phục dựng lại phần mộ này.
Về 2 cô hầu được chôn theo, theo nhà văn Sơn Nam thì đây là những người được chôn theo với ý nghĩa tượng trưng, để chứng tỏ Tả quân là nam giới. Bởi, Tả quân Lê Văn Duyệt là Thái giám, tuy nhiên vẫn được cưới vợ và có thêm 2 cô hầu.
Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), sinh ra tại làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (này là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông là một trong những bậc “Khai Quốc công thần” của Triều Nguyễn. Ông được biết đến là người thanh liêm, đức độ và nhân dân hết sức tin yêu, vì thế, người dân thường gọi là Ông Lớn Thượng và Lăng cũng có tên là Thượng Công miếu.
Thậm chí, công trạng của ông còn được Vua Gia Long ban cho nhiều đặc ân như: Tiền trảm hậu tấu (chém trước tấu sau), “nhập triều bất bái” (vào triều không phải quỳ lạy).
Ngày nay, khách hành hương và khách du lịch khi ghé thăm Lăng Ông Bà Chiểu sẽ được chiêm ngưỡng một cây đa 3 gốc, hơn trăm tuổi và con hổ còn nguyên, mua về từ Malaysia cách đây mấy chục năm.