Theo đó, sau khi ăn pate Minh Chay cùng gia đình ở Thanh Hóa, bệnh nhân nữ, 35 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có các triệu chứng nhược cơ, yếu liệt toàn thân nên nhập viện Thanh Hóa điều trị. Sau đó bệnh nhân được chuyển ra một bệnh viện ở Hà Nội, trong tình trạng bị suy hô hấp, được đặt nội khí quản, thay huyết tương nhưng tình trạng liệt vẫn không cải thiện.
Sau khi báo chí đưa tin các trường hợp ngộ độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay, người nhà bệnh nhân khai nhận, người này từng ăn pate Minh Chay trước đó, nên lập tức được chuyển đến khoa Nội thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy vào 25/8. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thở máy qua nội khí quản, sinh hiệu ổn nên được chuyển về bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục điều trị.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, qua các triệu chứng lâm sàng và hội chẩn, các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân ngộ độc botulinum. Bác sĩ Hùng cho biết thêm, trong 7 bệnh nhân ngộ độc botulinum đã và đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, đến thời điểm này, chưa có bệnh nhân nào hồi phục hoàn toàn.
Bệnh nhân bị ngộ độc botulinum sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, và rất khó để hồi phục. "Do vậy với những người phải thở máy kéo dài thì sẽ còn rất nhiều biến chứng xảy ra. Cho nên, dư hậu của các trường hợp này không thể nào nói trong một thời gian ngắn được, cũng không khả quan lắm", bác sĩ Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết thêm, thuốc kháng độc botulinum do Tổ chức Y tế thế giới cung cấp đã về đến Việt Nam, trong thời gian ngắn nhất sẽ điều phối thuốc về các cơ sở đang điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc do ăn pate Minh Chay.