Cả đêm mưu sinh kiếm được 85.000 đồng
Hàng chục năm nay, chưa khi nào mùa nước nổi ở miền Tây đến muộn và thấp như vậy. Nước lũ về ít khiến người dân vùng đầu nguồn Đồng Tháp bắt được rất ít cá tôm. Cuộc sống của họ vốn khó khăn, nay lại thêm lao đao.
Chập tối ở vùng biên giới xã Thường Thới, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, phóng viên theo chân vợ chồng ông Bảy ra đồng nước, nơi đặt 10 chiếc dớn đón luồng cá linh. Người đàn ông hơn 60 tuổi vẫn nhanh nhẹn trong đêm. Ông bơi xuồng, kéo lưới dớn, đổ cá, lựa cá thành thạo.
Vợ chồng ông Bảy đặt dớn trên đồng lũ.
Hết cái dớn thứ 7, rồi thứ 8… ông Bảy thở dài vì những chiếc lú dớn trống không, hoặc chỉ có vài mớ cá lòng tong, cá tạp.
“Trắng đêm mưu sinh trên đồng hôm trước, vợ chồng tôi kiếm được gần 100.000 đồng. Đêm nay chắc chỉ bằng một nửa so với đêm hôm qua”, vợ ông Bảy trầm ngâm.
Mấy mươi năm ở xã Thường Thới, ông Bảy chưa thấy năm nào nước lũ trên đồng chỉ khoảng trên dưới 1 m. Mực lũ này chỉ bằng một nửa so với năm 2019.
Còn 2 chiếc dớn chưa thăm, trời bắt đầu nổi gió, mưa nặng hạt dần. Hai vợ chồng già cố làm chạy mưa. Ông Bảy vớ lấy chiếc áo dày mặc thêm, lấy nón che đầu, xong vẫn tiếp tục truy lũ cá đồng.
Vợ ông cũng cố gắng phụ chồng. Người run lên, bà đến phía lái xuồng lấy tấm bạt nhựa trùm kín người.
Vợ ông Bảy trùm kín người bằng tấm bạt nhựa để tránh mưa.
“Mùa lũ hễ mưa là có gió, đồng nước cũng nổi sóng như biển khơi. Nhớ năm trước, trời chuyển mưa là vợ chồng tôi nhanh chóng ra về tránh trú chứ không dám làm ráng như bây giờ. Năm nay vì nước đồng cạn, nhỡ có chìm xuồng thì cũng không mấy nguy hiểm”, ông Bảy nói.
Nếu những năm trước, “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” thì năm nay, trung tuần tháng 9 nước lũ mới ngấp nghé chân bờ ruộng. Sản vật theo đó cũng ít dần.
Sau nhiều giờ mưu sinh trên đồng nước, vợ chồng ông Bảy chỉ bắt được vài kg cá tạp. Chiếc xuồng nhỏ tiếp tục di chuyển tròng trành trong cơn mưa. Ông Bảy vốn trầm tính, cứ lầm lũi làm việc. Vợ ông thì liên tục than rằng ngày mai sẽ không đủ tiền để mua gạo.
Mớ cá tạp vợ chồng ông Bảy bắt được sau một đêm mưa sinh trên đồng.
Không phải tự nhiên mà gia đình lão nông này lâm cảnh khó khăn như vậy. Các năm trước, ông và vợ rất giỏi việc đồng nước, có nhiều kinh nghiệm đặt dớn cá linh. Thậm chí, nhiều người quen biết còn gán cho ông cái biệt danh “vua cá linh”, hay “ông Bảy cá linh”, “ông Bảy dớn”.
Là người lành nghề, vợ chồng ông chỉ đinh ninh bám đồng lũ mưu sinh mà không làm thêm bất cứ nghề nào khác. Đó cũng là cái tử huyệt vì khi dớn thất bát, vợ chồng lão nông này ngay lập tức sảy chân.
Bây giờ, mọi sự am hiểu về con nước, về hướng đi của bầy cá, kinh nghiệm đón bắt cá theo ụ... bao năm của ông Bảy không giúp được gì. Vợ chồng ông chỉ còn biết buông lời than sau những ngày tháng mưu sinh thất bát. Ông Bảy nói trên cánh đồng, cá thật sự ít nên không có cách nào cứu vãn.
Hơn 2h sáng, vợ chồng ông từ đồng nước trở về con đê quen thuộc. Đó là khu vực đất cao, người dân và thương lái cùng hẹn đến để mua bán tôm cá.
Ông Bảy (trái) bán cá cho thương lái. Ông kiếm được 85.000 đồng từ một đêm đặt dớn trên đồng.
Vét hết mọi thứ có thể bán được, ông Bảy thu về vỏn vẹn 85.000 đồng. Lão nông chỉ biết thở dài, ngồi châm điếu thuốc.
Một lúc sau, hai vợ chồng họ xuống xuồng rời đi, mất hút trên cánh đồng.
“Ông Bảy giỏi nghề thế mà còn không có ăn, chúng tôi thì đành chịu”, hai người đàn ông nói vọng lại khi phóng viên bắt chuyện.
Trời hửng sáng, ông Bảy ăn vội ít mì gói và chuẩn bị về nhà.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vợ chồng ông Bảy, nhiều người dân làm nghề dớn ở ấp Bình Hòa Hạ đều có ý định bỏ nghề.
Một số hộ cố bám víu do không thể làm được việc khác, thu nhập bấp bênh.
Nhiều hộ vẫn cố bám nghề dớn vì không biết phải làm nghề gì khác.
Nỗi lo nợ nần
Ông Danh, Bí thư Chi bộ ấp Bình Họa Hạ, nói khoảng 50% trong tổng số 1.200 hộ tại ấp này gặp khó khăn vì nước lũ cạn, ít cá tôm. Nhiều người phải vay mượn để mua ngư lưới cụ mưu sinh. Nợ chồng thêm vì tiền gốc chưa trả xong, giờ phải lo thêm tiền lãi.
Như ông Trần Văn Chức (63 tuổi), sau nhiều năm làm phụ hồ, người đàn ông này quyết tâm chuyển nghề khi mùa lũ 2020 cận kề. Không còn đủ sức để khuân vác bê tông, ông nghĩ việc mưu sinh từ đồng lũ sẽ nhẹ nhàng, phù hợp hơn.
Vì sức khỏe yếu, ông Chức không làm nghề phụ hồ mà chuyển sang mưu sinh mùa lũ 2020.
Tháng 7 vừa rồi, ông Chức vay mượn gần 10 triệu đồng để mua chiếc xuồng nhỏ và 100 lợp đặt cua. Sau đó, ông Chức ngóng đợi con nước lên để bắt đầu công việc mới.
Chờ hết tháng 7, rồi hết tháng 8 nhưng nước lũ không về. Số tiền vay mượn đội lãi lên gần 2 triệu đồng đã khiến lão nông này ngồi trên đống lửa.
Ông chức vay thêm 10 triệu để đầu tư cho nghề đặt lợp cua.
“Có thời điểm tôi định bán lại toàn bộ ngư lưới cụ để trả nợ vì không thể mưu sinh được”, ông Chức nói. Nhưng rồi, sự trông đợi của lão nông phần nào được giải tỏa, khi trung tuần tháng 9, con nước đục màu phù sa từ Campuchia tràn vào cánh đồng.
Có người kêu sao nước năm nay ít vậy, nhưng ông Chức không quan tâm. Ông và cháu gái hàng ngày đến các khu vực trũng nhất của xã Thường Thới đặt lợp. Khoảng 2-3 ngày sau, ông trở lại thăm.
Ông Chức chật vật với nghề đặt lợp cua.
Khoảng 10 ngày đầu, số cua bắt được chỉ đủ dùng cho 5 người trong gia đình lão nông này. Nghĩ lạc quan, ông Chức cho rằng có thể cách đặt lợp chưa đúng nên thu hoạch được ít.
Rồi ông nhờ những người thạo nghề đi cùng vài chuyến, nhưng kết quả vẫn không khá hơn. Nhiều người nói với ông, nước thấp như năm nay thì làm gì có cua mà đặt lợp.
Như bị hắt gáo nước lạnh, nhưng không còn sự lựa chọn khác, ông vẫn phải băng đồng với những chiếc lợp cua. Để cứ 2-3 ngày, ông lại thu lợp một lần, kiếm được khoảng 100.000 đồng.
Đánh bắt cua gặp khó khăn nhưng ông Chức vẫn phải làm để kiếm tiền nuôi vợ và 3 cháu nhỏ.
“Tôi là lao động chính, duy nhất trong gia đình. Vợ tôi bệnh không phụ giúp gì. Ngoài cháu gái 14 tuổi đã phụ giúp được đôi chút việc, 2 cháu ngoại của tôi cùng đang tuổi ăn, tuổi học. Tôi nghỉ việc là nhà tôi đói”, lão nông kể.
Lúc bình tâm, ông Chức kể con gái ông đang làm công nhân ở Bình Dương thỉnh thoảng có gửi tiền về. Tuy nhiên, số lượng không nhiều, tháng có, tháng không nên nỗi lo cơm áo vẫn thường trực.
Buổi sáng trong căn nhà ven sông Sở Thượng, ông Chức lặng lẽ nhóm bếp nấu ấm trà trước khi đi làm. Gió từ ngoài sông ngày một mạnh hơn, mang theo chút hanh hao.
Ông Chức nói đó là dấu hiệu của mùa gió bấc và cũng là thời điểm nước trên đồng sắp rút, khép lại mùa lũ 2020. Và ông sẽ không còn tiếp tục mưu sinh bằng mớ lợp cua mới mua.
Gia đình ông Chức lo lắng vì khoản nợ 10 triệu đồng đầu tư cho nghề đặt lợp cua.
“Cua đã ít, nhưng giá cũng rất thấp. Thương lái vào chỉ mua 15.000 đồng/kg. Những năm trước, giá cao hơn gấp nhiều lần”, ông than thở.
Một vài người làm nghề cua cũng nói vậy. Họ còn nói giá quá thấp như vậy là do thương lái ép giá. Họ mua vào của nông dân như vậy, nhưng khi bán ra cho những vị khách xa lạ thì giá không dưới 100.000 đồng/kg.
Không thể sống được chỉ với vài kg cua mỗi ngày, ông Chức và cháu gái làm thêm nghề vớt ụ lươn. Công việc này khá mệt nhọc. Hai ông cháu quần quật suốt ngày trên cánh đồng, đến những ụ cỏ dùng tấm lưới vớt lươn.
“Chủ yếu là lươn nhỏ nhưng có giá khoảng 80.000 đồng/kg. Làm chăm chỉ mỗi ngày, chúng tôi có thể kiếm được khoảng 100.000 đồng”, ông Chức cho biết.
Hai ông cháu làm thêm nghề vớt ụ lươn.
Không ngại cực nhọc, Tú (14 tuổi, cháu ông Chức) hàng ngày cùng ông nội băng đồng. Em đen nhẻm và trông già dặn trước tuổi khi gắng cùng ông kếm tiền trả nợ và lo cho các em.
Mùa lũ năm nay sẽ là ký ức khởi nghiệp không trọn vẹn của hai ông cháu. Họ chỉ biết trông chờ vào sản vật mùa lũ. Thuận thời, cá tôm nhiều thì no đủ. Còn như mùa nước nổi 2020 thì nhiều hộ ốm đói, thiếu trước, hụt sau.
Treo dớn, bán lưới để đi làm công nhân
“Tôi ở nhà trông cháu nội. Cha mẹ cháu Hậu không làm dớn, kéo lưới nên đã cùng nhau đi Bình Dương làm công nhân hơn 10 ngày trước. Giờ hai bà cháu sống lay lắt qua ngày, nghèo lắm”, bà Huỳnh Thị Thịnh (70 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới) kể về gia cảnh của mình.
Bà Thịnh kể về gia cảnh nghèo khó của mình khi các con không mưu sinh được từ đồng lũ.
“Gia đình bà là một trong số những hộ khó khăn tiêu biểu của ấp vì không thể giăng bắt được cá tôm từ đồng nước. Mọi người phải đi lang bạt nhiều nơi làm công nhân, thay vì mưu sinh từ lũ”, ông Danh, Bí thư Chi bộ ấp Bình Hòa Hạ, nói.
Dẫn phóng viên ra phía sau nhà, bà Thịnh chỉ tay hàng chục chiếc dớn không được “xuống đồng” vì con nước kém, nghèo cá tôm.
Gia đình bà Thịnh không mưu sinh được từ mùa lũ 2020. Những chiếc dớn của gia đình vẫn bị xếp xó.
"Giờ lũ đã gần hết mùa, chúng tôi không thể làm gì hơn. Con tôi chắc sẽ ở Bình Dương làm công nhân thôi chú ạ. Các cháu cũng định bán hết dớn, lưới kéo… sau mùa lũ này vì nghề nghiệp bấp bênh quá. Nhỡ như cứ bám nghề thì mùa lũ năm sau, nước về ít như vậy sẽ không có gì để ăn”, bà Thịnh tâm sự.
Những chiếc lợp ếch không dùng được trong mùa lũ này. Bà Thịnh nói sẽ bán hết lấy tiền trả nợ.
Không riêng gia đình bà Thịnh, hàng chục hộ dân khác của ấp cũng không thể đặt dớn, lợp cua, kéo lưới... vì nước lũ quá thấp, không có cá tôm.
Họ liên tục kéo nhau đi TP. HCM, Bình Dương... làm công nhân từ đầu tháng 9 - thời điểm là đỉnh lũ của những năm trước.
Hàng trăm chiếc lợp cua của một gia đình ấp Bình Hòa Hạ phải xếp xó.
Nhiều người nói, họ chưa từng chứng kiến một mùa lũ "buồn" như năm nay.
Không còn cảnh tất bật với nghề lưới cá thường thấy, mỗi sáng, người dân Thường Thới trầm ngâm bên ấm nước, tách trà. Câu chuyện của họ lắm khi chỉ là những lời than vãn, ít đi tiếng cười nói hào sảng của người miền Tây.
Khung cảnh mua bán nhộn nhịp ngày lũ giờ đây chỉ là ký ức tiếc nuối.
Một mùa lũ cạn đáng quên của người dân vùng lũ Đồng Tháp khi nước sắp rút, nhưng cuộc mưu sinh của người dân vẫn ảm đạm vì tôm cá ít.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lũ ở vùng ĐBSCL năm nay đến muộn hơn nhiều năm trước. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ rơi vào cuối tháng 9-2020, muộn hơn đỉnh lũ năm 2019 khoảng 1 tháng. Đỉnh lũ trong năm ở các cánh đồng đầu nguồn tại Đồng Tháp, An Giang thấp hơn từ 0,8-1,2 m so năm 2019.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL thuộc Trường ĐH Cần Thơ, cho biết mực nước lũ ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa từ các quốc gia phía trên lưu vực sông Mekong như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia… Đến cuối tháng 8/2020, lượng mưa tại các lưu vực sông Mekong thuộc Lào (cả hướng Bắc và hướng Nam) và nhiều quốc gia khác đều ít do El Nino.
Ngoài ra, do mùa khô đầu năm 2020 khá dài, các hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn sông Mekong thiếu nước, nên khi có mưa thì các hồ này sẽ giữ nước lại không xả ra. Điều này cũng khiến dòng nước đổ về phía hạ nguồn sông chậm, lưu lượng ít….