Cuộc đấu giá có nhiều cây gỗ quý hiếm diễn ra chóng vánh… đến kỳ lạ

19/08/2020 16:38

Thông báo, rồi tổ chức đấu giá và công bố người trúng đấu giá, cũng như hủy kết quả đấu giá… chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng một tuần. Cuộc đấu giá chóng vánh chưa từng thấy và ngay sau khi PV vào cuộc, tìm hiểu - điều tra - xác minh thông tin thì cuộc đấu giá thành (với gần 1.000 cây cây gỗ các loại, có giá trúng thầu là 255 triệu đồng) đã bị hủy.

7 ngày không kể ngày nghỉ

Đơn vị có tài sản và đứng ra tự tổ chức đấu giá là Viện Nghiên Cứu cao su Việt Nam (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - hiện Nhà nước nắm giữ 97% cổ phần) đã thừa nhận sai sót - khi làm việc với PV - về quy trình và cách thức tổ chức đấu giá.

Theo đó, ngày 20/7/2020, Viện Nghiên Cứu cao su Việt Nam banh hành thông báo đấu giá giá tài sản là hạng mục: Cây trồng tỉa thưa tại thửa đất số 235, tờ bản đồ số 40, Quốc lộ 13, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (hay còn gọi là Viện Cây trồng Lai Khê). Hình thức đấu giá là bỏ phiếu gián tiếp, theo phương thức trả giá lên (lấy giá cao nhất).

Điều đáng nói, kể từ ngày thông báo đấu giá này, các tổ chức/cá nhân chỉ có khoảng 5 ngày để biết, gửi hồ sơ đấu giá, vì đến 16 giờ ngày 24/7 là hạn cuối nhận đơn báo giá.

Cây trắc khá lớn nằm trong diện bị cắt hạ mà các đơn vị được chỉ cho biết trước khi tham gia đấu giá.

Sau khi ban hành, Viện Nghiên Cứu cao su Việt Nam dán Thông báo đấu giá tại trụ sở của Viện, tại số 263bis, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP.HCM và tại nơi có tài sản là Nghiên Cứu cao su Việt Nam tại Quốc lộ 13, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Dù chỉ thông báo "hạn chế" về mặt thời gian và địa điểm công bố Thông báo nhưng có tới 6 tổ chức/cá nhân gửi đơn giá tham gia đấu giá cho hạng mục tài sản nêu trên. Theo thông tin mà PV có được, 5 cá nhân và 1 doanh nghiệp tham gia gửi đơn giá cho cuộc đấu giá "kỳ lạ" này.

Theo Biên bản đấu giá tài sản mà ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Phòng Kế hoạch, Viện Nghiên Cứu cao su Việt Nam cung cấp thể hiện: Ngày 27/7, ông Trịnh Đình Sơn (ngụ quận 12, TP.HCM) có giá đưa ra cao nhất và trúng đấu giá là 255,5 triệu đồng.

Như vậy, kể từ khi có thông báo đến việc tổ chức, rồi công bố người trúng đấu giá, kể cả việc huỷ đấu giá diễn ra vỏn vẹn 7 ngày, không kể ngày thứ 7 và chủ nhật.

Theo một nguồn tin cung cấp cho PV: "Điều đáng nói là trong danh sách những cây thuộc diện cưa, cắt, tỉa thưa có một số cây thuộc loại là gỗ quý, như: Trắc, Gõ đỏ (thuộc nhóm 1) - cấm khai thác thương mại. Dù vậy, họ đã gom vào danh sách, đưa các tổ chức/cá nhân đi xem và tham gia đấu giá".

Huỷ chóng vánh

Ngay khi phát hiện vụ việc, PV đã liên hệ đến Viện Nghiên Cứu cao su Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su để xác minh thông tin. Lập tức, cùng ngày, một thông báo về hủy cuộc đấu giá đã được phát đi cho các tổ chức/cá nhân tham gia đấu giá do ông Phan Thành Dũng, Viện trưởng Viện nghiên Cứu Cao su Việt Nam kí.

Thông báo này cũng nêu rõ: "Do thiếu sót trong quá trình chuẩn bị các thủ tục về đấu giá theo quy định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và thủ tục bàn giao đất về địa phương, chuyển mục đích sử dụng đất, Viện Nghiên Cứu cao su Việt Nam thông báo hủy Biên bản đấu giá ngày 27/7 đến các đơn vị/cá nhân đã tham gia đấu giá".

Tại buổi làm việc, ông Phúc cũng thừa nhận sai sót trong cuộc đấu giá và đang khắc phục là sẽ hoàn thành các thủ tục cần thiết để tổ chức đấu giá và thông báo đến các đơn vị/cá nhân đấu giá trong thời gian tới.

Thông báo huỷ kết quả đấu giá ngay khi tổ chức đấu giá thành và công bố người trúng đấu giá.

Theo nguồn tin cung cấp cho PV, số lượng cây tại thời điểm tham gia đấu giá là gần 1.000 cây, tuy nhiên, khi PV đến làm việc và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cung cấp chỉ còn 763 cây. Số liệu này cũng không khớp so với Biên bản đấu giá tài sản ban hành ngày 27/7 là 771 cây. Liệu những cây mất đi trong danh sách cung cấp cho PV là những cây nào, gỗ gì?.

"Thực chất, họ tổ chức bán đấu giá là nhằm hợp thức hóa để đưa các cây gỗ quý này ra khỏi khu vực đó. Bởi, về quy trình khi cắt những cây gỗ quý này phải được thông qua và có xác nhận của lực lượng kiểm lâm để xác định nguồn gốc gỗ, mới được phép khai thác. Tuy nhiên, đây là họ đang làm chui, không hóa đơn, chứng từ nhằm chia chác", nguồn tin của PV cho biết.

Thực tế, trong buổi làm việc với PV, ông Phúc cũng thừa nhận có một số cây gỗ quý, do nằm trong khuôn viên và quản lý của Viện, do cán bộ, công nhân viên trồng từ lâu, nằm dưới đường dây điện cao thế, nay cắt tỉa?.

Thêm vào đó, dù là đơn vị của Tập đoàn, tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá cắt, tỉa cây này Tập đoàn Công nghiệp Cao su không hề hay biết. Làm việc với PV, ông Phạm Văn Thành, Thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban Kế hoạch - Đầu tư cho biết: "Bây giờ mới biết đến vụ việc là Viện tổ chức đấu giá tài sản đó, trong đó có những cây gỗ quý. Chúng tôi sẽ đề nghị Viện báo cáo tình hình cụ thể, sau đó sẽ có thông tin cho PV, đồng thời sẽ có hướng xử lý, tùy theo mức độ của vụ việc, nếu có".

Số liệu vênh nhau?

Theo nguồn tin cung cấp cho PV, số lượng cây tại thời điểm tham gia đấu giá là gần 1.000 cây, tuy nhiên, khi PV đến làm việc và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cung cấp chỉ còn 763 cây. Số liệu này cũng không khớp so với Biên bản đấu giá tài sản ban hành ngày 27/7 là 771 cây. Liệu những cây mất đi trong danh sách cung cấp cho PV là những cây nào, gỗ gì?..

Chí Thanh - Nguyễn Khang
Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đấu giá có nhiều cây gỗ quý hiếm diễn ra chóng vánh… đến kỳ lạ" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)