Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ.
Quang cảnh cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh. Ảnh: Hữu Thanh/PV tại New York, Hoa Kỳ
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên Liên hợp quốc. Các nước Canada, Niger, Senegal, Saint Vincent& Grenedines và Tây Ban Nha đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam và 107 nước khác tại tất cả các khu vực đã tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức trong hệ thống của LHQ, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và các thành phần liên quan khác kỷ niệm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó, có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.
Phát biểu giới thiệu Nghị quyết tại Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, thay mặt các nước đồng tác giả, nêu bật ý nghĩa và tính cần thiết của việc thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh và cảm ơn sự ủng hộ của các quốc gia thành viên LHQ đối với sáng kiến này.
Ngày 27/12 được chọn làm Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của Nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vác-xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.
Chia sẻ với phóng viên , Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ về thành công này của Việt Nam cho biết: "LHQ đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan tới các ngày về Y tế Dự phòng và Bảo đảm Sức khỏe Cộng đồng, nhưng đây là Nghị quyết đầu tiên về Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh, tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng, các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế về việc thường xuyên phòng bệnh, thường xuyên phòng dịch, đồng thời tăng cường năng lực để khi dịch bệnh xảy ra phải có đủ năng lực để đối phó kịp thời và đầy đủ với dịch bệnh đó và dập tắt nó nhanh chóng. Đồng thời, nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và giải pháp đa phương ở cả 4 cấp độ: cá nhân, cộng đồng, quốc gia, và quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, nghị quyết có nghĩa vô cùng quan trọng".
Cũng theo Đại sứ Đặng Đình Quý, đối với riêng Việt Nam, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra sáng kiến, Việt Nam chủ trì xây dựng dự thảo, chủ trì quá trình đàm phán dự thảo và vận động để đưa ra ĐHĐ thông qua hôm nay với số nước đồng bảo trợ rất cao, hơn 100 nước và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho nên sự kiện này có ý nghĩa rất lớn.
Trong quá trình thương thảo nghị quyết, có những khó khăn và thuận lợi như thế nào, mà chúng ta phải vượt qua.
Khó khăn thứ nhất là dịch bệnh phát triển rất phức tạp, các nước đều quan tâm vấn đề chống dịch, trong bối cảnh đó có rất nhiều nước đưa ra dự thảo nghị quyết, có những dự thảo được 5, 6 nước đưa ra nhưng không được thông qua mà chỉ có những ý chính của những dự thảo đó được đưa vào một nghị quyết chung về COVID-19.
Khó khăn thứ hai là quan niệm của các nước về nguồn gốc dịch bệnh, đồng thời là vai trò của cơ chế đa phương và các giải pháp đa phương, đặc biệt là của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho nên điều này được tranh luận rất nhiều, dẫn đến quá trình tham vấn rất khó khăn.
Nhưng, bên cạnh đó, chúng ta có thuận lợi lớn nhất là các nước đều thấy tác động của đại dịch COVID-19 kinh khủng quá, đều thấy sự cần thiết phải có sự chuẩn bị để chống, đối phó với dịch hiện tại, đồng thời phòng ngừa và chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Thuận lợi thứ hai là chính những thành tựu của Việt Nam trong kiểm soát dịch COVID-19 đã tạo ra một sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng quốc tế khi chúng ta đàm phán, cũng như khi chúng ta vận động các nước đồng bảo trợ.