Huyện vùng cao Sơn Động cách TP Hà Nội khoảng 130 km. Sau hơn 60 km thong dong trên Quốc lộ 1A, chúng tôi rẽ vào Quốc lộ 31. Qua những cánh rừng vải thiều bạt ngàn của huyện Lục Ngạn, chẳng mấy chốc đã đặt chân tới thị trấn An Châu của huyện Sơn Động. Ở đây thời tiết dễ chịu hơn dưới xuôi nhiều dù vẫn còn những cơn nắng cuối hạ. Nhóm lữ khách nghỉ ngơi một lúc bên quán nước rồi tiếp tục hành trình 20 km để tới cái đích là thảo nguyên Đồng Cao.
Mê đắm thảo nguyên
Xe bon bon trên những cung đường uốn lượn, chạy xuyên qua cánh rừng thông bạt ngàn. Lên cao dần, khung cảnh hiện ra trước mắt vô cùng cuốn hút. Những thửa ruộng bậc thang thoai thoải bên sườn núi được tô điểm thêm vài nếp nhà nhỏ xinh đang tỏa làn khói bếp vẽ nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp mà bình dị.
Lúc chúng tôi đặt chân tới Đồng Cao, sương mây vẫn còn lãng đãng khắp núi đồi. Trong không gian hoang sơ, những khối đá đen sẫm với nhiều hình dáng như được bàn tay tạo hóa đặt rải rác trên khắp đồi cỏ xanh mướt. Mọi người tỏa đi về các hướng để tận hưởng cái êm ái của đồi cỏ và không khí mát lạnh.
Xanh mát miền cao Sơn Động
Thời tiết ở Đồng Cao dễ khiến ta liên tưởng tới Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hay Mộc Châu (tỉnh Hòa Bình) nhưng cảnh trí thì khác lạ. Phía xa xa là cánh rừng Tây Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) bạt ngàn giữa mây trời. Nghe nói những lúc trời trong, đứng từ Đồng Cao phóng tầm mắt, du khách có thể nhìn thấy cả chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử.
Mấy đứa trẻ nhà ai đó dậy từ khá sớm đang đùa nghịch tíu tít bên hiên nhà sàn, vài lão nông chăn ngựa ngồi trò chuyện, cười nói rôm rả một góc đồi. Cuộc sống nơi đây toát lên vẻ thanh bình quý giá mà những ai mới thoát khỏi phố phường ngột ngạt đều trân quý nhận ra. Thu Hường - một cô gái ở Hà Nội lần đầu lên Đồng Cao - đã bị những đồi cỏ, bụi hoa, đàn ngựa… mê hoặc, quên lối về. Hường tâm sự: "Mình đã đi cao nguyên Mộc Châu, Tam Đảo và nhiều nơi khác… nhưng khi đến Đồng Cao, thấy nơi đây có một nét cuốn hút riêng, cứ ngỡ như quen mà hóa ra lạ. Đồi cỏ bao la hút trọn tầm mắt với từng đàn dê, ngựa nhởn nhơ gặm cỏ. Mình đến đây từ hôm qua mà giờ vẫn thích dạo tiếp chưa muốn về…".
Còn với riêng tôi, Đồng Cao dù đến vào mùa nào, ở đây vào bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày cũng cho ta những cảm giác mới mẻ, thú vị. Bạn có thể lang thang ngắm mây trời hay thử một ngày làm "bật mã ôn" (chăn ngựa), khám phá nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Cao Lan, Sán Chỉ, Dao… sống quanh thảo nguyên.
Nghỉ dưỡng giữa rừng nguyên sinh
Nắng đã lên cao, mọi người bắt đầu rủ nhau hạ sơn để dạo rừng, tắm suối… Cách không xa Đồng Cao là cánh rừng nguyên sinh Khe Rỗ (xã An Lạc, huyện Sơn Động). Ngay khi vừa đến địa phận xã An Lạc, ai cũng vô cùng thích thú, mấy cô cậu trẻ tuổi còn hú hét lên khi bắt gặp con suối trong vắt chảy tràn qua đường. Không thể bỏ qua, chúng tôi dừng xe, sục đôi bàn chân, bàn tay vào dòng nước mát lạnh...
Mấy ngôi nhà sàn dần hiện ra bên suối giữa những tán cổ thụ um tùm xanh mát. Gửi xe vào khu vực quy định, chúng tôi bắt đầu bách bộ vào rừng cùng nhiều nhóm du khách. Bắt chuyện được với chị Triệu Thị Bình, người dân tộc Tày bản địa, chị kể trước đây Khe Rỗ rất hoang sơ, hầu như không có bước chân du khách. Năm 2012, một vài nhóm du khách phương Tây trekking (đi bộ đường dài) từ Yên Tử sang đây và cái tên Khe Rỗ dần dần được chú ý trên bản đồ du lịch Bắc Giang.
Nướng gà đồi, thịt heo mán trong rừng Khe Rỗ
Toàn tuyến mà du khách đi trải nghiệm ở rừng Khe Rỗ khám phá dài khoảng 5-6 km tính từ điểm gửi xe. Cứ đi một đoạn, mọi người lại bắt gặp một hồ nước nhỏ giữa suối trong vắt, là nơi vùng vẫy, tắm mát của nhiều nhóm du khách.
Tại Khe Rỗ, du khách có thể nghỉ chân ở khu nhà sàn trung tâm do lực lượng kiểm lâm dựng. Mọi người bày đồ ăn sẵn mang theo hoặc nếu có nhu cầu sẽ được người dân phục vụ các món ăn truyền thống của người Tày, Nùng bản địa như: heo cắp nách, heo mán nướng xiên, gà quay, gà đồi nướng bọc đất, rau sắng xào…
Nếu có thêm thời gian, du khách nên vào các thôn, bản ở xã An Lạc trải nghiệm cuộc sống cùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan rồi ngủ lại qua đêm ở những homestay cũng hết sức thú vị…