Khúc ruột miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng những ngày đầu tháng 10 liên tiếp đón nhận những biến động bất thường của thời tiết gây ra cảnh thiên tai lũ lụt. Nước lũ đo được tại trạm Thủy văn Đông Hà đã lên tới 4,69 m, vượt kỷ lục được thiết lập vào năm 1983 với đỉnh lũ 4,58m, cao nhất trong 37 năm vừa qua.
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về qua cảng biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã khiến 6 chiếc tàu cỡ lớn gặp nạn, trong đó có sự cố mắc cạn của tàu Vietship 01 vào rạng sáng 8/10 khiến 12 thuyền viên bị kẹt không thể bơi vào bờ.
62 giờ cứu hộ căng thẳng
62 giờ giải cứu cũng là khoảng thời gian mà mạng sống những thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu hàng Vietship 01 tại biển Cửa Việt trở nên mong manh giữa biển cả.
Ngay trong đêm 8/10, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, chỉ đạo các biện pháp ứng cứu thuyền viên bị nạn trên biển, thành lập Sở Chỉ huy tiền phương theo dõi, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn tại Cửa Việt.
Sáng 9/10, 2 thuyền viên mang áo phao bơi được vào bờ. 10 thuyền viên còn lại cố gắng mang áo phao, bám vào phần nổi còn lại của tàu hàng để chờ cứu hộ. Chiều cùng ngày, 2 thuyền viên bị sóng đánh rơi xuống biển, sau đó bơi vào bờ thành công.
Đến sáng qua 10/10, công tác cứu nạn được đẩy lên quy mô cao hơn khi có sự tham gia của nhiều lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển, quân đội, công an, cứu nạn hàng hải và đặc biệt là những ngư dân địa phương dũng cảm.
|
Ngư dân Võ Văn Dũng là một trong số ít người xung phong lái tàu cá tham gia công tác cứu hộ. Người thuyền trưởng 46 tuổi với hàng chục năm kinh nghiệm đi biển có dáng hình nhỏ thó nhưng khuôn mặt đầy vẻ tự tin. Ông vừa lặng lẽ quan sát chiếc tàu gặp nạn vừa hình dung trong đầu sẽ điều khiển tàu theo luồng nước nào để tránh sóng dữ và tiếp cận tàu gặp nạn một cách an toàn.
|
Khoảng 15h20, ngày 10/10, chiếc tàu cá do ông Dũng điều khiển mang theo nhiều phao tròn, nhu yếu phẩm chở theo hai ngư dân và một thành viên của trung tâm cứu nạn hàng hải vượt sóng dữ. Sau hơn 20 phút, con tàu cá cuối cùng cũng tiếp cận được tàu gặp nạn và giải cứu thành công hai người mắc kẹt.
Trở về bờ sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Dũng chia sẻ: “Sóng lớn đánh mạnh vào tàu rất nguy hiểm. Trước khả năng tàu có thể chìm bất cứ lúc nào nên chúng tôi đã cho tàu quay trở lại bờ”.
Hai ngư dân Phan Xuân Đức và Võ Công Sanh được cứu hộ thành công. Anh Đức sau đó được lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu trong tình trạng kiệt sức, mất nước.
|
Nỗ lực giải cứu người gặp nạn của ông Dũng dù chưa đạt được kết quả như kỳ vọng ban đầu nhưng đã mang lại niềm hi vọng cho cả lực lượng giải cứu, hàng nghìn người dân có mặt tại cảng biển Cửa Việt cũng như những nạn nhân còn mắc kẹt trên tàu Vietship 01.
|
Khoảng 16h55, phương án cứu hộ thứ hai được triển khai, 4 cán bộ thuộc trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải sử dụng xuồng cao su đặc chủng để giải cứu.
Tuy nhiên trong quá trình tiếp cận tàu mắc cạn, do sóng to gió lớn, chiếc xuống bất ngờ bị chết máy và trôi dạt ra ngoài khơi, rất may sau đó các thành viên tổ cứu nạn vẫn vào bờ được an toàn nhưng phương án giải cứu đã không thành công.
|
Khoảng 18h ngày 10/10, một chiếc trực thăng của Tổng công ty trực thăng Việt Nam xuất hiện trên bầu trời cảng biển Cửa Việt. Theo phương án tác chiến, trực thăng thả sợi dây dài khoảng 2.000 m kết nối tàu với đất liền. Đồng thời, trực thăng đã tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết cho các thuyền viên mắc kẹt. 50 chiếc phao cứu hộ cũng được trực thăng thả xung quanh khu vực tàu gặp nạn.
Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ trên bờ biển đã căng dây thành công giúp kết nối tàu với đất liền. Tuy nhiên do có mưa lớn kèm gió rất mạnh và trời tối nhanh, công tác cứu hộ đã phải tạm dừng.
|
Rạng sáng ngày 11/10, công tác cứu hộ tiếp tục được tiến hành với nhịp độ khẩn trương hơn. Do ảnh hưởng của bão số 6, khu vực biển Cửa Việt liên tục có sóng to, gió lớn.
"Nguy hiểm đến đâu cũng phải cứu người"
Có mặt tại hiện trường, phóng viên Zing chứng kiến các nỗ lực dùng thuyền, xuồng cao su để tiếp cận thuyền viên mắc kẹt đều thất bại. Người nhà của các nạn nhân và người dân địa phương đội mưa túc trực trên bờ. Một số thân nhân bật khóc vì lo lắng.
Theo phương án giải cứu, các thuyền viên mắc kẹt sẽ được kéo lên trực thăng thông qua hệ thống dây tời. Đây là nhiệm vụ khó khăn khi máy bay phải hoạt động trong điều kiện gió mạnh, mưa lớn, sóng cao và nước biển đục ngầu.
Trước đó, 14h30 ngày 10/10, sau khi nhận được lệnh từ Bộ Quốc phòng, Công ty Trực thăng miền Bắc đã điều động chiếc trực thăng EC-155B1 từ sân bay Gia Lâm bay thẳng vào miền Trung.
Tổ bay điều khiển chiếc EC-155B1 gồm thiếu tá Lê Hải Đăng, Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc, và đại tá Trần Quang Tuấn. Cả 2 người đều là phi công cấp 1 (cấp cao nhất) với kinh nghiệm dày dạn và kỹ năng bay biển lão luyện. Trên máy bay còn có trung tá Cao Ánh Dương (tổ trưởng Bộ môn Dù tìm kiếm cứu nạn) và thượng úy Tăng Bá Trung (nhân viên tìm kiếm cứu nạn đường không).
"Với nhiệm vụ khó khăn thế này, chúng tôi phải cử những phi công có trình độ tốt nhất. Họ đã sử dụng kỹ thuật bay treo trên mặt biển với độ cao 7-10 m. Sóng gió rất mạnh nhưng các phi công đã thao tác tốt", thượng tá Hoàng Xuân Nam, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 18 (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam - VNH) chia sẻ.
Sau nhiều nỗ lực, máy bay tiếp cận được tháp chỉ huy của tàu Vietship 01. Trung tá Cao Ánh Dương với trang phục người nhái đã tụt dây tời xuống vị trí 6 thuyền viên mắc kẹt. Đội cứu hộ quyết định dành 2 lượt bay đầu tiên để đưa 2 thuyền viên yếu nhất về bờ. Lần thứ 3 cũng là lần phi công phải bay treo lâu nhất, họ đã kéo 4 người còn lại lên máy bay và về bờ an toàn. Toàn bộ thời gian giải cứu kéo dài trong 30 phút, kết thúc lúc 9h30 ngày 11/10.
"Các phi công đã rất dũng cảm, nhưng đó là việc chúng tôi thường xuyên phải làm, nhiệm vụ của người lính mà", thượng tá Nam chia sẻ. Ông khẳng định tổ bay can đảm nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện an toàn tối thiểu mới được cất cánh, không có chuyện liều lĩnh thực hiện thao tác vượt quá khả năng.
Còn thượng úy Phan Cao Thắng (39 tuổi, Lữ đoàn đặc công Hải quân 126), người trực tiếp bơi ra biển cứu hộ thuyền viên kể lại khoảng 8h ngày 11/10, anh cùng hai người nhái Lê Duy Khánh và Đoàn Văn Đức men theo đường dây đã được máy bay trực thăng kết nối trước đó để ra tiếp cận chiếc tàu gặp nạn.
“Vị trí thuyền và ngư dân mắc kẹt có vòng xoáy luồng, sóng to, gió lớn nên rất khó khăn trong tiếp cận người gặp nạn. Nhóm đặc công nước được chia thành các tổ 3 người để tiếp cận, ứng cứu và đưa các thuyền viên vào bờ”, thượng úy Thắng kể.
Nam thượng úy kể, anh cùng hai đồng đội được nối với nhau bằng các đoạn dây để giữ liên kết. Mỗi người sẽ có một móc sắt bám vào đường dây mà trực thăng đã giăng trước đó để giữ đúng hướng di chuyển, chỉ cần lệch ra khỏi đoạn dây thì sẽ bị trôi dạt.
Lúc nhóm đặc công tiếp cận tàu theo múi dây thì dây bị vô số que cọc, đoạn dây khác quấn chặt, tạo thành búi lớn. Họ phải tháo gỡ từng đoạn mới có thể tiếp tục hành trình. Nhiều đợt sóng cao hơn 5 m dồn dập ập đến càng gây khó khăn cho quá trình cứu hộ.
|
“Bơi hơn 400 m, tôi phát hiện có người từ tàu lênh đênh cạnh khu vực bờ kè nên ra tín hiệu cho đồng đội bỏ móc khóa khỏi đường dây để tiếp cận người bị nạn. Nạn nhân lúc ấy đã đuối sức, trôi lơ lửng nhờ áo phao, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ rất nguy hiểm”, đặc công Thắng nói và cho biết ai cũng vui mừng khi nhóm đặc công nước cứu hộ thành công người gặp nạn trên tàu Vietship 01.
3 ngày uống nước mưa cầm cự
Nằm điều trị trên giường bệnh tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, thuyền viên Đặng Văn Nghị (33 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa hết cảm giác lo lắng khi nhớ lại phút sinh tử của mình và đồng nghiệp sau hơn 3 ngày ngồi trên ống khói của tàu gặp nạn.
Anh Nghị kể, rạng sáng 8/10, khi thuyền đang neo đậu tránh mưa bão ở khu vực cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh) thì tàu bị sóng đánh tuột neo, trôi dạt ra khu vực luồng cảng, cách bờ gần 1 km. Lúc này, trên tàu có 12 thuyền viên. Khoảng 9h cùng ngày, tàu bị sóng xô đánh nhiều lần, trúng bãi kè nên bị thủng thân, nước tràn vào bên trong khiến tàu nghiêng và chìm dần.
“Lúc tàu gặp sự cố mình bất an vì tàu rơi vào dòng xoáy, sóng gió lớn. Tàu không thể cầm cự nên bị thủng thân, nước tràn vào nhanh. Không nghĩ mình có thể sống nhưng vẫn phải giữ bình tĩnh, động viên nhau cố gắng chờ cứu hộ”, anh Nghị nói.
Nam thuyền viên cho biết lúc tàu bị thủng, chìm dần và chỉ còn lại phần tầng trên nhô lên mặt nước, anh cùng những người trên tàu luôn hướng mắt vào bờ. Dù thấy rất đông người, tàu cứu hộ cố gắng tiếp cận nhưng anh hiểu việc tiếp cận và cứu hộ gặp khó khăn vì vị trí và thời tiết quá khó khăn.
“Hơn 3 ngày không thức ăn, không nước uống, nhiều anh em đói, khát, lạnh nhưng chỉ biết uống uống nước mưa, nước biển cầm cự, chờ cứu hộ. Khi trực thăng mang lương khô, nước uống rồi cứu hộ vào bờ, tôi như thấy mình như được sinh ra lần nữa” nam thuyền viên nhớ lại.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Chiến, bác sĩ Chuyên khoa II, Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị), cho biết sáng cùng ngày bệnh viện tiếp nhận 8 bệnh nhân nhập viện.
“Tình trạng sức khỏe 8 bệnh nhân đang tạm ổn nhưng trong 3-4 ngày tới các bệnh nhân có thể bị viêm họng, viêm phổi do nhiễm lạnh lâu. Việc điều trị phải tăng cường sức đề kháng, bù nước điện giải, dự phòng viêm phổi cho bệnh nhân”, bác sĩ Chiến nói.