Giữ Vịnh Hạ Long xanh

20/11/2020 17:17

Khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang diễn ra nhiều hoạt động kinh tế. Vì vậy, cùng với việc phát huy lợi thế của Vịnh, công tác bảo vệ môi trường, nhất là vùng lõi Vịnh Hạ Long luôn được đặt lên hàng đầu để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với việc bảo tồn, gìn giữ di sản

Rừng ngập mặn khu vực hang Đầu Gỗ, Vịnh Hạ Long phát triển xanh tốt.
Rừng ngập mặn khu vực hang Đầu Gỗ, Vịnh Hạ Long phát triển xanh tốt.

Điển hình trong hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long mà ít vùng vịnh nào có được đó là rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc làm sạch môi trường biển. Rừng là nơi cư trú, sinh trưởng và phát triển của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá, tôm, cua, các loài nhuyễn thể hai mảnh, chim di cư, bán di cư…

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với môi trường Vịnh Hạ Long, những năm gần đây, rừng ngập mặn khu vực lõi Vịnh Hạ Long luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Hàng năm, Ban Quản lý Vịnh thường xuyên khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tốc độ phát triển của cây, điều kiện tự nhiên, sự đa dạng của thành phần loài thủy hải sản khu vực rừng ngập mặn. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp chặt phá.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức trồng rừng ngập mặn tại một số khu vực có điều kiện thuận lợi khu vực Vịnh, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát triển rừng cho người dân. Đến nay, trên 10ha rừng ngập mặn tại khu vực chân núi đá trong lòng di sản vẫn đang phát triển xanh tốt, trong đó, những cây đâng, mắm... cao trên 2,5m còn khá nhiều.

Đặc biệt, cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3363/QĐ-UBND phê duyệt thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long. Theo đó, Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long được xác định tại vùng lõi của Vịnh Hạ Long gồm diện tích núi đá, núi đất và rừng ngập mặn là trên 5.000ha.

Khu vực làng chài Cửa Vạn, Vịnh Hạ Long đang được phát triển đảm bảo hài hòa giữa du lịch và bảo tồn.
Khu vực làng chài Cửa Vạn, Vịnh Hạ Long đang được phát triển đảm bảo hài hòa giữa du lịch và bảo tồn.

Trong giai đoạn 2020-2030, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ thực hiện các dự án, phương án và chương trình nghiên cứu ưu tiên như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quyền sử dụng khu rừng cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; nâng cấp khu rừng lên Vườn quốc gia Vịnh Hạ Long... với tổng vốn đầu tư trên 64 tỷ đồng. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy các hoạt động quản lý rừng bền vững, thúc đẩy du lịch sinh thái gắn với giáo dục bảo vệ cảnh quan môi trường, gia tăng giá trị về đa dạng sinh học.

Ông Đỗ Tiến Thành, Phó phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục triển khai các dự án, phương án và chương trình nghiên cứu theo quyết định thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long của UBND tỉnh. Đặc biệt, cỏ biển là loài thực vật đặc trưng của Vịnh Hạ Long đã từng bị mất đi trong chục năm trở lại đây. Trong quá trình giám sát, Ban đã tìm thấy một số quần thể cỏ biển đã mọc tại ven chân đảo. Vì vậy, hệ sinh thái này sẽ được khoanh vùng, bảo tồn, phát triển.

Nhằm bảo vệ môi trường di sản, Quảng Ninh đã cấm khai thác trong khu vực vùng lõi Vịnh Hạ Long; thường xuyên tổ chức bám biển, tuần tra 24/24, kiểm tra các hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển; xử lý nặng đối với các hành vi dùng mìn, kích điện, các ngư cụ cấm để khai thác. Tỉnh đã thực hiện nhiều dự án nuôi trồng thủy sản bền vững bằng vật liệu thân thiện với môi trường theo quy trình an toàn. Đơn cử, từ tháng 1/2019, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) thực hiện mô hình thí điểm phao xốp phủ vật liệu sơn Line-X. Đây là loại sơn có tính trơ cao, có độ nhẵn dễ vệ sinh, không ảnh hưởng đến quá trình nuôi cá. Loại sơn này giảm được tác động do va đập, hạn chế phát thải rác thải, bảo vệ môi trường biển.

Cùng với đó, TP Hạ Long đã nghiên cứu, đề xuất quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại vùng đệm của Vịnh để tập trung di dời. Trong đó, giữ lại 2 khu vực nuôi trồng thủy sản trong Vịnh Hạ Long là Vung Viêng - Cặp Bè và khu vực Vạ Giá để chỉnh trang nuôi trồng thủy sản trình diễn phục vụ khách du lịch. Đồng thời, di dời 4 khu vực còn lại tới các điểm ngoài vùng lõi, đảm bảo cho công tác quản lý bền vững đối với cảnh quan, môi trường, dân sinh trên Vịnh.

Hiện, Quảng Ninh đang triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó có việc khoanh vùng, bảo vệ san hô khu vực Vịnh Hạ Long, qua đó, môi trường biển đang được phục hồi, nguồn lợi tự nhiên được tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

Cao Quỳnh
Bạn đang đọc bài viết "Giữ Vịnh Hạ Long xanh" tại chuyên mục Nhìn thẳng nói thật. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)