Hà Nội cần làm gì mỗi khi mưa lớn?

23/08/2020 17:59

Ngập, ngập nặng dường như đang là căn bệnh của Hà Nội mỗi khi bước vào đợt mưa lớn. Quy hoạch xây dựng và vấn đề thoát nước đang nảy sinh nhiều bất cập

Chiều muộn ngày 17/8, Hà Nội xuất hiện trận mưa lớn, tuy thời gian kéo dài chỉ hơn 1 giờ, song nhiều tuyến phố nội đô chìm trong biển nước, giao thông gần như tê liệt vào giờ tan tầm.

Nhiều người cho rằng, đó là “tín hiệu đáng báo động”. Vậy nguyên nhân vì đâu và giải pháp cho vấn đề này như thế nào? Chúng tôi xin trích lại ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội CTN VN, Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và ông TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội để tìm câu trả lời cho các vấn đề trên.

Tại sao Hà Nội mới mưa to đã ngập nặng?

Ông Bùi Ngọc Uyên: Trận mưa chiều 17/8 diễn ra trên diện rộng nhưng tập trung dồn dập ở 4 quận nội thành, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm với cường độ khonafr 143mm làm cho hệ thống thoát nước bị quá tải, dẫn đến nước không thoát kịp và nhiều khu vực bị ngập sâu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Đặc thù mưa của Hà Nội là mưa vùng, không đồng đều, thời gian ngắn nhưng cường độ lớn (có trận mưa trong 30 phút nhưng cường độ đến 70mm) nên không có hệ thống thoát nước nào đáp ứng được. Trong khi đó, hệ thống thoát nước của Hà Nội vẫn là hệ thống chung nước mưa với nước thải, vừa vận hành vừa cải tạo, chưa kể việc cải tạo được tiến hành trên cơ sở hạ tầng của một đô thị cũ.

Đặc biệt, quá trình đô thị hoá diễn ra quá nhanh cũng là ngyên nhân chính làm cho hệ thống thoát nước Thủ đô quá tải. Đơn cử, trước đây phía Tây được xác định là khu vực thoát nước của Hà Nội, có thể xây dựng hệ thống thoát nước mới như hệ thống cống bơm, chuyền tải nước mưa. Tuy nhiên, chỉ 7 năm trở lại đây, khu vực này lại thành vùng ngập úng do tốc độ đô thị hoá, bê tông hoá diễn ra quá nhanh dẫn đến mất kiểm soát.

Giải pháp nào để giải quyết vấn đề úng ngập của Thu đô mỗi khi trời mưa lớn?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Thời gian tới, Hà Nội cần phải thực hiện đồng loạt các giải pháp như: Xây dựng bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu nước mưa tại chỗ, bảo đảm được hệ thống hồ điều hoà không bị lấn chiếm, san lấp, sử dụng vào mục đích khác.

Quy hoạch thoát nước của Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, nhưng sau quy hoạch, việc đầu tư mới cho hệ thống thoát nước rất hạn chế. Việc khởi công xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 240.000 m3/ngày đêm vừa qua cũng chỉ là nguồn vốn ODA. Do đó, thay vì chờ vào các nguồn viện trợ, Hà Nội cần chủ động ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho việc xây mới, cải tạo, duy tu, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Chỉ khi nào Hà Nội hoàn thành công tác xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng lượng mưa trên 300mm trong hai ngày với cường độ lớn thì tình trạng ngập mới được cải thiện.

TS Đào Ngọc Nghiêm: Để hạn chế tình trạng “phố biến thành sông”, Hà Nội phải sớm hoàn thiện, điều chỉnh các dự án thoát nước, đặc biệt là các quy hoạch có liên quan đến điểm úng ngập. Ví dụ, hiện nay quy hoạch khu vực phân khu quận Hoàn Kiếm nói chung, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận đã được nghiên cứu 8 năm nhưng vẫn chưa được phe duyệt. Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại dự án thoát nước.

Trước đây, dự án thoát nước của Hà Nội chỉ tính đến lưu lượng nước mưa 200mm, nhưng hiện tại, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Hà Nội đã có những đợt mưa 300 - 400mm.

Ông Bùi Ngọc Uyên: Để Kiểm soát tình trạng ngập úng tại Thủ đô, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt camera tại 31 vị trí để theo dõi trên các tuyên phố, tập trung tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba ĐÌnh, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy. Giải pháp quan sát trực tuyến này khá hiệu quả, giúp đơn vị nắm được tình hình thực tế, từ đó tích hợp trong phần mềm HSDC Maps để người dân có thể tham khảo, theo dõi, phục vụ cho việc đi lại thuận tiện hơn.

Trong phần mềm cũng có chức năng tương tác, quá trình di chuyển, mọi người phát hiện những sự cố trên hệ thống thoát nước hoặc ngập lụt đều có thể thông báo cho trung tâm điều hành của công ty, từ đó có những giải pháp xử lý. Các đội phụ trách địa bàn vẫn luôn có phương án bố trí công nhân, thiết bị để xử lý nhanh nhất các sự cố thoát nước.

L.H
Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội cần làm gì mỗi khi mưa lớn?" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)