Hàng điện thoại xách tay “nở rộ” ở TP.HCM

30/09/2020 20:13

Điện thoại xách tay có giá từ chục triệu đến vài chục triệu đồng đều không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn là tình hình kinh doanh chung tại hàng loạt cửa hàng điện thoại di động tại TP.HCM.

Không khó mua được những chiếc điện thoại cao cấp giá rẻ được gắn mác “xách tay” với xuất xứ từ Mỹ, Singapore, Nhật Bản…

Để tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động kinh doanh của dòng điện thoại xách tay, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có mặt tại một số cửa hàng điện thoại có tiếng quanh khu vực đường 3 tháng 2 (quận 10), khu vực Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), khu vực Hàng Xanh (quận Bình Thạnh). Các con phố này được người tiêu dùng ví như “thiên đường mua sắm” điện thoại xách tay.

Xã hội - Hàng điện thoại xách tay “nở rộ” ở TP.HCM

Thị trường điện thoại xách tay công khai hoạt động rầm rộ mà không bị cơ quan nào kiểm soát.

 

Ở các cửa hàng này, giá của những chiếc smartphone cao cấp như Iphone 11, Iphone 11 Pro… “nhảy” loạn xạ. Còn nếu một chiếc Iphone Pro max bản 64 GB được nhà phân phối chính hãng niêm yết giá là 30 triệu đồng và bản 256 GB có giá lên đến 35 triệu đồng thì giá máy cùng loại được giới thiệu là hàng xách tay chỉ có giá xấp xỉ 20-25 triệu đồng. Một con số chênh lệch "khủng khiếp".

Xã hội - Hàng điện thoại xách tay “nở rộ” ở TP.HCM (Hình 2).

Nhân viên Didongviet.vn chia sẻ với khách hàng về cách thức mua điện thoại.

 

Theo quan sát từ  PV, tại đây tập trung san sát các cửa hàng điện thoại, nhiều lời quảng cáo mời mua giá cả cạnh tranh, hậu mãi hấp dẫn. PV ngẫu nhiên tiếp cận một số địa chỉ bán hàng xách tay của các cơ sở có hệ thống cửa hàng rộng khắp ở TP.HCM như: Didongviet.com, Sang Mobile, XT Mobile, Hnam Mobile, Mobile City… và phát hiện cả các nơi đây giống như “thế giới điện thoại xách tay”, “kho điện thoại xách tay khổng lồ” khi bán đủ loại sản phẩm liên quan đến điện thoại smart phone cao cấp, đặc biệt là thương hiệu Apple…

Khi PV hỏi bất kỳ sản phẩm nào, đại diện các cửa hàng của Sang Mobile cũng trả lời: “Dòng anh chị cần tìm bên em cung cấp được, đủ màu, đủ mẫu”. Tương tự, đại diện của hệ thống cửa hàng của Di động Việt cũng cho biết: “Anh chị muốn mua loại nào thì cứ liệt kê, bên em có đầy đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của anh chị”.

Xã hội - Hàng điện thoại xách tay “nở rộ” ở TP.HCM (Hình 3).

Ma trận điện thoại xách tay tiềm tàn những hệ lụy lớn.

 

PV tiếp tục hỏi sản phẩm nào tốt, nhân viên trả lời: “Dạ sản phẩm nào cũng tốt cả!”. Nếu hàng của Mỹ thì có mã là LLA, hàng của Singapore là ZA, hàng của Nhật là JA, nhưng hàng của Mỹ là tốt nhất và có giá cao nhất. Nếu muốn lấy lấy số lượng lớn thì quý anh chị báo số lượng cho em bao nhiêu cũng có”.

Dễ mua phải hàng nhái

Điểm chung của những của hàng trên là không thể xuất được hoá đơn. Nếu muốn lấy hoá đơn thì các cửa hàng sẽ xuất cho bên mua hoá đơn của các dòng máy khác…

Khách hàng khi mua máy không am hiểu nhiều về công nghệ, nên lúc "test" (kiểm tra) máy, khó có thể phân biệt được hàng nhái loại 1, có thể mua nhầm máy cũ được “mông má” bên ngoài và cho vào hộp phụ kiện mới. Những sản phẩm này được “giới chuyên môn” gọi là hàng dựng. Hoặc mua phải điện thoại xách tay được thay vỏ, bo mạch và linh kiện trước khi nhập về Việt Nam.

Xã hội - Hàng điện thoại xách tay “nở rộ” ở TP.HCM (Hình 4).

Nhân viên Sang Mobile tư vấn cho khách về các sản phẩm điện thoại xách tay.

 

Xã hội - Hàng điện thoại xách tay “nở rộ” ở TP.HCM (Hình 5).

Hệ thống Sang Mobile hiện là 1 trong những ông lớn của ĐTXT.

Đi kèm với những rủi ro về chất lượng máy khi mua điện thoại xách tay, khách hàng cũng có thể sẽ không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ hãng như những chiếc máy được mua chính hãng. Chẳng hạn, người mua Iphone thường có chính sách đổi mới pin hoặc sạc miễn phí cho người mua hàng nếu bị lỗi sau một thời gian sử dụng.

Xã hội - Hàng điện thoại xách tay “nở rộ” ở TP.HCM (Hình 6).

Didongviet.vn nổi cộm trong giới điện thoại xách tay hiện nay.

Nhận định về hiện tượng này, luật sư Trương Minh Tuỳ (đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: “Việc buôn bán hàng quá nhập khẩu từ nước ngoài về mà không có hồ sơ, chứng từ hợp pháp thì hàng hóa này bị coi là hàng hóa nhập lậu theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/ NĐ - CP'' Hàng hóa nhập lậu” gồm: d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Vì vậy, với những trường hợp này có thể bị xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ''.

Luật sư Trương Minh Tuỳ cho biết thêm: Từ 15/10/2020, kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan sẽ bị phạt 100-200 triệu đồng. Theo Nghị định 98/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.

Đáng chú ý, mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hoá khi làm thủ tục hải quan.

Ngoài ra, hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. Như vậy, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, không làm thủ tục hải quan... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu.

Việc các cửa hàng đang ngang nhiên buôn bán hàng nhập lậu đã vi phạm các quy định của việc cấm buôn bán hàng gian, hàng lậu của Nhà nước. Cùng với việc trốn thuế gây thất thoát ngân sách, làm ảnh hưởng đến các đơn vị doanh nghiệp bán hàng chính ngạch vi phạm luật cạnh tranh được quy định theo Nghị định Số 35/2020/NĐ-CP của Chính phủ được áp dụng vào ngày 15/5/2020, gây ảnh hưởng đến thu nhập và thị phần của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

* Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin. 

Trung Hoàng
Bạn đang đọc bài viết "Hàng điện thoại xách tay “nở rộ” ở TP.HCM" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)