Đến 12 giờ 55 phút cùng ngày (18/10) liệt sỹ Phạm Văn Hướng - một trong số 13 cán bộ, chiến sỹ cứu nạn cứu hộ hi sinh tại thủy điện Rào Trăng 3 đã rời nhà tang lễ và được đưa về quê nhà ang táng.
Thể theo nguyện vọng gia đình, thi thể liệt sĩ Hướng sẽ được chuyển vào TP Đà Nẵng để hỏa thiêu, sau đó tro cốt được đưa về an táng tại quê nhà Thái Bình.
Liệt sĩ Phạm Văn Hướng trước khi hi sinh là phóng viên Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế
Xe tang chở liệt sĩ Hướng đã rời Thành nội Huế.
Như vậy, liệt sĩ Nguyễn Văn Bình và liệt sĩ Phạm Văn Hướng (Thừa Thiên Huế) sẽ được di chuyển trong hai đoàn xe chở linh cữu cuối cùng rời khu tang lễ Bệnh viện 268.
Đoàn xe chở liệt sĩ Nguyễn Văn Bình về nhà ở phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế cùng đồng bào, chiến sỹ đưa linh Cửu của liệt sỹ Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch huyện Phong Điền (tỉnh Thừa thiên Huế) rời nơi tổ chức lễ truy điệu về quê nhà tại xã Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) để an táng.
Lực lượng di quan đưa linh cửu thứ 11 rời nơi tổ chức lễ truy điệu
Đoàn xe tang số 5 chuẩn bị xuất phát.
Đoàn số 5 chở linh cữu liệt sĩ, Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc - Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế (Nguyên quán/trú quán: Phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng sẽ đi qua cổng Kinh thành Huế (cửa Hậu) sau đó về phường An Cựu
Những đoàn xe chở linh cữu các liệt sĩ lần lượt rời Bệnh viện 268, đi qua cổng Kinh thành Huế (cửa Hậu).
Đoàn xe đưa linh cữu thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, đi qua cửa Hậu (kinh thành Huế). Ông sẽ được an táng tại quê nhà Quảng Trị.
Các lực lượng bố trí sẵn ở cổng Bệnh viện 268 và đường Tản Đà (TP Huế) để tiễn đưa các liệt sĩ về quê mẹ
Bên ngoài cổng Kinh thành Huế (cửa Hậu), rất đông người dân chen chờ tiễn biệt các liệt sĩ.
Linh cữu của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4 được đưa ra đầu tiên. Theo nguyện vọng của gia đình, tướng Man sẽ được đưa về quê nhà Quảng Bình.
Tiếp theo đó là linh cửu của Trung tá Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng Phòng Tác chiến, Quân khu 4. Vợ Thượng tá Dũng được người thân dìu đi sau linh cữu, đau đớn gọi chồng...
Các liệt sĩ khác cũng được đưa về tại các địa phương Nghệ An, Thừa Thiên Huế... để gia đình tổ chức tang lễ riêng theo tập tục địa phương, để họ hàng, làng xóm được chào từ biệt con em quê nhà lần cuối.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (trái) và Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 (phải) hộ tống linh cữu Thiếu tướng Nguyễn Văn Man.
Khoảng 11h20, nghi lễ di quan được thực hiện. Lực lượng tiêu binh cẩn trọng đưa các linh cữu từ Nhà Tang lễ Bệnh viện Quân y 268 ra ngoài. Các sỹ quan quân đội trong lễ phục mang bát nhang đi đầu.
Khắp sân khu nhà tang lễ, tiếng khóc thân nhân các cán bộ, chiến sỹ xót xa, đau đớn, nhiều người không nén được xúc động.
Phút tưởng niệm cho 13 cán bộ, chiến sỹ hi sinh khi đi cứu hộ thuỷ điện Rào Trăng 3.
“Mệnh lệnh từ trái tim, từ phẩm chất cao cả của bộ đội Cụ Hồ đã giúp đoàn công tác vượt núi băng rừng đến trạm kiểm lâm 67. Đây là tổn thất vô cùng to lớn với quân đội, sự hy sinh của các đồng chí đến từ việc đặt nhiệm vụ lên trên hết. Trong giờ phú thiêng liêng này, xin tiễn đưa 13 đồng chí”, đại diện Ban Tổ chức lễ tang nói trong điếu văn.
Bên ngoài, các xe ô tô của đoàn đưa tang sẵn sàng xuất phát.
Các lực lượng chuẩn bị cho lễ truy điệu 13 cán bộ, chiến sỹ hi sinh tại Trạm 67 khi đi cứu hộ thuỷ điện Rào Trăng 3.
Đoàn tiêu binh bồng súng, tiến vào nhà tang lễ chuẩn bị cho lễ truy điệu lúc 11h.
Khoảng 10h20, Ban tổ chức ngừng đọc tên, những đoàn cuối cùng lần lượt vào viếng. Phía trong, tiếng khóc rộ lên khi những người thân sắp từ biệt chồng, con, em trong giờ phút cuối cùng.
Tận cùng đớn đau
Có mặt trong buổi lễ viếng, lễ truy điệu sáng nay tại nhà tang lễ Bệnh viện 268, TP Huế có rất nhiều thân nhân các liệt sĩ. Họ đã khóc cạn nước mắt từ nhiều ngày nay.
Nhiều đứa trẻ theo người lớn đến khu tổ chức tang lễ với vẻ mặt ngơ ngác, không hiểu vì sao cha, bác, ông của mình lại ra đi không về như vậy.
Những người lớn mắt luôn hướng về phía ban thờ người thân với vẻ mặt tận cùng khổ đau. Ai cũng tiều tụy, phờ phạc sau nhiều đêm không ngủ trông ngóng và khóc thương người thân.
Nhiều người không còn ngồi vững, phải có người khác dìu ngồi. Có những người vợ, người chị, người em ôm mặt nức nở từ suốt sáng đến trưa...
Tất cả là tận cùng của đau thương, mất mát không gì bù đắp được.
Đoàn Quân khu 4 do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4 vào viếng. Quân khu 4 chịu tổn thất nặng nề khi Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng các chiến sỹ hi sinh trong vụ lở núi tại Trạm 67
Đoàn Quân khu 4 viếng các liệt sĩ
Đoàn Văn phòng Chủ tịch nước vào viếng các liệt sĩ.
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, dẫn đầu đoàn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng các sở ban ngành vào viếng các liệt sĩ
Thượng tướng Phan Văn Giang: "Những mất mát này không gì bù đắp được"
Thượng tướng Phan Văn Giang - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cùng các tướng lĩnh quân đội đã động viên và chia sẻ trước nỗi đau mà gia đình các chiến sĩ, cán bộ hy sinh trong lúc cứu hộ, cứu nạn đang hứng chịu.
Tướng Giang chia sẻ: Sự hy sinh của 13 liệt sĩ là những mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước, Quân khu 4 và thân nhân các liệt sĩ. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân 13 liệt sĩ, ông nói: "Những mất mát này không gì bù đắp được" và mong các gia đình nén nỗi đau để chu toàn hậu sự.
Đoàn của Quân ủy Trung ương do thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu, vào viếng các liệt sĩ
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam động viên thân nhân các liệt sĩ
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Xin vĩnh biệt những người con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam
Ghi sổ tang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng viết:
"Vô cùng thương tiếc các đồng chí đã hy sinh anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn những người dân mất tích tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các đồng chí là những tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo chính quyền, các sĩ quan, chiến sĩ và nhà báo.
Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ vì nước, vì dân.
Những hành động quên mình cứu dân của các đồng chí là tấm gương sáng ngời và còn mãi với người dân và các thế hệ mai sau. Noi gương các đồng chí, đồng chí, đồng đội của các đồng chí đang tiếp tập trung để thực hiện các nhiệm vụ các đồng chí còn để lại, đang chủ động, kịp thời ứng phó với thiên tai địch họa, sẽ vượt qua mọi gian khổ hy sinh để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Để người dân được sống trong hòa bình, an toàn, ấm no và hạnh phúc.
Xin vĩnh biệt những người con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam.
Xin chia sẻ đau thương mất mát với gia đình và người thân của các đồng chí".
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào viếng các liệt sĩ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng động viên thân nhân các liệt sĩ.
Thân nhân các liệt sĩ trong lễ viếng.
Ngày 17/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết Quyết định số 1820/QĐ-CTN truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 11 đồng chí vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đợt mưa lũ và bão vừa qua tại Thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa kính viếng các liệt sĩ
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi vòng hoa kính viếng các liệt sĩ
Nhiều người vượt mưa lũ về viếng 13 liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng
Sáng 18/10, mặc dù Huế vẫn còn lũ lớn, nhưng ngay từ sớm, tại khu tổ chức tang lễ 13 liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng, hàng trăm người dân, đại biểu đã về dự lễ viếng.
Tại nhà tang lễ đã được thiết trí, trang hoàng trang nghiêm. Nhiều thân nhân liệt sĩ đã có mặt từ nhiều ngày nay tại nhà tang lễ.
Các đoàn đại biểu của địa phương, Trung ương chuẩn bị vào viếng 13 liệt sĩ.
Lễ viếng các liệt sĩ diễn ra từ 7 đến 11h hôm nay
Vào 6h hôm nay, gia đình đã vào viếng các liệt sĩ. 13 linh cữu được phủ Quốc kỳ, phía trước là di ảnh của các liệt sĩ.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã thông báo về tin buồn và chương trình lễ tang 13 liệt sĩ hy sinh khi tiền trạm cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.
Theo đó, tang lễ 13 liệt sĩ được tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 (thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 4; phường Thuận Lộc, TP Huế).
Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 7h đến 11h ngày 18/10, lễ truy điệu và đưa tang từ 11 đến 12h cùng ngày.
Tại lễ tang, ban tổ chức chuẩn bị sẵn vòng hoa luân chuyển. Các đoàn khi đến viếng mang theo băng tang vải đen, chữ trắng, dòng trên ghi tên cơ quan, tổ chức, dòng dưới ghi chữ “Kính viếng” (rộng 18cm, dài 1m). Trang phục viếng là tiểu lễ phục mùa đông.
Tang lễ cho 13 liệt sĩ được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268. Ảnh: Zing
Được biết, 11 quân nhân hi sinh sẽ tổ chức theo nghi thức lễ tang quân đội, 2 cán bộ của tỉnh TT- Huế tổ chức lễ tang theo quy định của địa phương.
Trước đó, vào chiều 16/10, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1594/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh TT- Huế đã hy sinh ngày 13/10/2020, khi thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh TT-Huế.