Mưa như trút nước, người miền Trung nơm nớp nỗi lo lũ chồng lũ

09/10/2020 20:54

Lượng mưa lớn ồ ạt trút xuống các khu vực ở Quảng Nam, TP.Đà Nẵng khiến nhiều vùng bị ngập lụt chia cắt. Ở một số điểm lũ về quá nhanh khiến người dân âu lo việc lũ chồng lũ.

Ngập lụt và nỗi lo lũ nhân tạo

Ngày 9/10, đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ phát đi thông báo về tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở miền Trung. Theo đó, trong 24 giờ qua tại các tỉnh từ Quảng Bình – Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.

Như tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm; tại TP.Đà Nẵng phổ biến 60-120mm, có nơi trên 150mm.

Theo ghi nhận trực tiếp của PV Người Đưa Tin Pháp luật, mưa lớn kèm nước sông ồ ạt chảy về đã khiến nhiều vùng của TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bị ngập lụt, chia cắt. Ngay từ ngày 8/10, lũ cũng đã bắt đầu dâng cao, gây ngập đồng ruộng và một số tuyến đường dân sinh, đường nội đồng, đường tràn chia cắt làng mạc tại các xã Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Liên... của huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Trong đó, thôn Lộc Mỹ, Hòa Liên với 67 hộ dân đã bị cô lập do nước lũ “xé” tan con đường bê tông độc đạo vào thôn.

 

Các vùng trũng huyện Đại Lộc và TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam nước lũ dâng cao nhấn chìm hàng trăm hecta hoa màu, nhà cửa của người dân.

Được biết, trận mưa lũ lịch sử này chủ yếu mưa to vào đêm và rạng sáng. Đêm 8 và đêm 9/10, lũ về rất nhanh, mực nước liên tục dâng cao khiến nhiều người dân lo lắng và dự đoán các thủy điện xả lũ.

“Chúng tôi sống ở rốn lũ nên năm nào cũng trải qua vài trận. Lũ đến thì phòng chống, lũ đi thì vực dậy. Lo nhất là hoa màu, gia súc thôi. Đợt này cứ đêm là mưa lớn lũ tràn về nhanh hơn nên nhiều người lo thủy điện, hồ chứa xả tràn, lo lũ chồng lũ”, một người dân bày tỏ.

 

Mưa lũ khiến trung dung Quảng Nam, Đà Nẵng chìm trong ngập lụt. Ảnh D.Q

Theo ghi nhận của PV, đến ngày 9/10, trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,02m trên báo động I 0,52m, tại Hội Khách 10,97m dưới báo động I 3,53m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 3,37m, dưới báo động I 3,13m, tại Câu Lâu 1,4m dưới báo động I 0,6m, tại Hội An là 0,76m dưới báo động I 0,24m…

Để đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ lũ, tỉnh Quảng Nam đã sơ tán 150 hộ dân, gồm huyện Tây Giang sơ tán 100 hộ; huyện Nam Giang sơ tán 11 hộ; huyện Nam Trà My sơ tán 5 hộ; huyện Đại Lộc sơ tán 34 hộ.

 

 

Thủy điện còn "chịu" được?!

Theo số liệu PV có được, tính đến nay các thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, sông Tranh 2, sông Bung 4 đều đang vận hành tích nước. Tại thủy điện A Vương, lúc 21h ngày 8/10, mực nước cao 363.41m, lưu lượng nước đến đạt 423.53m/s và thủy điện này chưa xả tràn.

Với diễn biến mưa như hiện tại, các thủy điện ở hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn còn "chịu" được 3 - 4 ngày nữa.

Cũng như A Vương, thủy điện Sông Bung 4 có mực nước cao 215m, lưu lượng nước đến đạt 144.3m/s, lưu lượng xả tràn là 0. Riêng 2 thủy điện là Đắk Mi 4 và sông Tranh 2 có lưu lượng nước qua tràn ở ngưỡng rất nhỏ từ 3 – 5m3/s. Tuy nhiên, lưu lượng qua tràn này là dòng chảy môi trường không phải xả lũ.

Như vậy, các hồ thủy điện thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang tích nước chưa xả lũ. Nguyên nhân nhiều khu vực hạ du ngập lụt như hiện tại là do mưa lớn. Lãnh đạo các thủy điện thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn nhìn nhận, với diễn biến mưa như hiện tại, các hồ chứa có thể nhận nước đến 11/10, tức khoảng 3 – 4 ngày nữa.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, theo kịch bản hồ thủy điện A Vương sẽ đầy và không phải xả tràn nếu tổng lượng mưa đợt mưa này đạt 500mm. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày mưa qua, tổng lượng mưa mới đạt 240mm.

Ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc công ty Thủy điện Sông Tranh 2 cho rằng, hồ thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận lượng nước về hồ không nhiều, trung bình đạt 400m3/s. Sau 3 ngày mưa hồ này mới đón được 100 triệu m3/450 triệu m3 nước, mực nước hiện tại còn thấp nên xu hướng đầy hồ là rất khó.

Trước những diễn biến mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, có nội dung yêu cầu các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo; cử các đoàn công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong vận hành hồ; chỉ đạo chủ hồ đập tổ chức tính toán, kịp thời cập nhật thông tin vận hành hồ chứa về ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đề xuất phương án vận hành trường hợp xảy ra lũ lớn.

Nhâm Thân
Bạn đang đọc bài viết "Mưa như trút nước, người miền Trung nơm nớp nỗi lo lũ chồng lũ" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)