Bà Nguyễn Thị Thập với các đồng chí tại chiến khu Việt Bắc, 1953
Trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng ở Nam bộ, bà Nguyễn Thị Thập một trong những người trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Cuộc đời hoạt động của bà là một tấm gương tiêu biểu của phụ nữ thời đại Hồ Chí minh.
Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10/10/1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho) trong một gia đình nông dân nghèo. Từ năm 20 tuổi, bà đã giác ngộ lí tưởng cách mạng, tham gia tổ chức Nông hội ở Long Hưng với nhiều hoạt động được đông đảo nông dân nghèo ủng hộ.
Năm 1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, từ đó lấy bí danh là Mười Thập hay Nguyễn Thị Thập.
Tháng 11/1946, kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, Trung ương dời về chiến khu Việt Bắc. Lúc này, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, bà được phân công trở về miền Nam với nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng và củng cố Đảng bộ Nam Bộ ngày càng vững mạnh. Năm 1947, bà được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ.
Sau khi tập kết ra miền Bắc (1954), bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam qua hai kỳ đại hội thứ 2 và thứ 3 (1956-1974). Bà là người đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dài nhất trong 18 năm.
Cuộc đời và sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Thập là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Với những cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng dân tộc và sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, cho đến nay bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng. Ngoài ra bà còn được phong tặng danh hiệu " Bà mẹ Việt Nam anh hùng"… và nhiều phần thưởng cao quý khác.