Mua sản phẩm khống
Dù là loại hình rút tiền mặt nhưng các ngân hàng phát hành thẻ không thể thu được bất cứ khoản nào, lợi nhuận thuộc về các điểm chấp nhận chi tiền mặt qua thẻ theo kiểu trá hình.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, việc rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng thông qua các điểm mua hàng “ma” đang mọc lên tràn lan. Tại một điểm bán hàng ở chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP.HCM), PV đề nghị được rút tiền mặt, ngay lập tức, nhân viên tên Thanh Hồng cho biết: “Anh muốn rút bao nhiêu tiền, nếu dưới 10 triệu đồng thì phải đến trực tiếp. Còn trên 10 triệu đồng trở lên thì sẽ có nhân viên hỗ trợ tận nơi, đồng thời, sẽ tính phí giao tiền”.
Tiếp tục, lần theo một thông tin mà PV được giới thiệu, PV tìm đến điểm nhận cho vay tiền theo dạng này trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Đây là một cửa hàng thời trang, người tên Thu Hồng cho biết: “Hiện nay, bên em đang cho vay với mức là 1,8%/tháng, miễn lãi suất trong 45 ngày và được rút 100% số tiền trong thẻ. Tùy theo ngân hàng mà có thể trả góp được, cam kết bảo mật thông tin cho anh”.
Thu Hồng tư vấn thêm: “Nếu quẹt thẻ, anh sẽ được lợi rất nhiều. Vì so với việc anh rút tiền từ ATM sẽ bị trừ ngay 4% số tiền đã rút thì bên em chỉ có 2% (trên 50 triệu) còn dưới 50 triệu là 1,8% thôi và sẽ không phải chịu lãi suất trong 45 ngày. Bên cạnh đó, anh rút tiền thì ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất ngay từ thời điểm rút (bên cạnh số tiền 4% đã bị trừ) với mức 2,5 – 3%/tháng. Hơn nữa, rút tiền tại ATM cũng bị hạn chế 50% số hạn mức, còn ở đây, nếu anh muốn thì có thể rút hết 100% số tiền trong thẻ luôn”.
Thái, chủ một cửa hàng ở trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM cho PV biết: “Nếu muốn rút 10 triệu đồng ở các cây ATM thì sẽ mất 700.000 đồng ngay tức thì, vì anh phải mất 400.000 đồng tiền phí và 300.000 đồng/tháng tiền lãi (tính lãi suất tháng đầu tiên). Tuy nhiên, nếu sử dụng dịch vụ của bên tôi, anh chỉ mất khoảng 200.000 đến 300.000 đồng, tương đương với 2% đến 3% mà thôi”.
Rút tiền, đáo hạn, xoay tiền thông qua thẻ tín dụng bằng các giao dịch “ma”.
Để rõ thực hư, PV đã quẹt thử 20 triệu đồng trong thẻ tín dụng và chỉ mất 400.000 đồng, kể cả việc giao tiền tận nơi. Còn nếu rút trực tiếp từ máy ATM thì ít nhất, PV cũng mất hơn 1,3 triệu đồng (4% phí rút tiền mặt, tương đương 800.000 đồng + lãi suất 28%/năm, tương đương gần 500.000 đồng), đó là chưa kể tới lãi suất mà hàng tháng chủ thẻ phải chịu về sau. Ngoài ra, nếu dùng ngân hàng này nhưng rút máy ATM của ngân hàng khác cũng sẽ chịu thêm phí, thông thường dao động khoảng 100.000 đồng/lần rút.
Theo đó, chỉ cần một cuộc điện thoại, sau đó chừng 30 phút, người tên Hải ở quận Tân Bình, TP.HCM có mặt. Chỉ cần 1 máy quẹt thẻ (POS), Hoàng rút 20 triệu đồng trong túi cho PV. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 2 phút. Đổi lại, Hải yêu cầu PV ký vào một tờ hóa đơn nhưng trong đó không ghi bất cứ thông tin nào, không dấu. Nhanh như chớp Hải xin phí 400.000 đồng, trong đó có 50.000 đồng tiền giao tiền.
Theo điều tra của PV, khi quẹt, chủ thẻ không hề mua bất cứ loại hàng hóa hay sản phẩm nào, thay vào đó, chỉ cần ký vào hóa đơn khống thì sẽ nhận được số tiền mặt mà mình đã quẹt (chỉ trừ đi phí dịch vụ). Chủ thẻ chỉ chịu lãi suất kể từ tháng tiếp theo, nếu chưa thể thanh toán số tiền đó (thông thường là 45 ngày) thì sẽ đóng tiền lãi theo quy định của ngân hàng phát hành thẻ.
Lắm chiêu... xài thẻ
Hiện nay, tình trạng quẹt thẻ lấy tiền mặt với hóa đơn khống diễn ra tràn lan trên địa bàn TP.HCM và khu vực lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương... Tùy vào các điểm, thường có phí từ 1,5% đến 4%. Điều đáng nói, các điểm này cho vay tiền nhưng không cần biết đó là chủ thể hay không, thậm chí, nếu thẻ đi mượn hoặc ăn cắp cũng có thể rút được tiền, chỉ cần có mã PIN.
Điều tra, tìm hiểu của PV cho thấy, các điểm này hoạt động núp bóng trong các cửa hàng tạp hóa, thời trang, tiệm vàng hoặc trong các quán cà phê... Miễn nơi nào chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Tuy nhiên, điều đáng nói, hiện nay, tổ chức các dịch vụ này là các cá nhân, tổ chức đã và đang cho vay nóng và có rất nhiều chi nhánh, cơ sở hình thành nên hệ thống trên cả nước liên kết với nhau.
Chỉ cần 1 máy POS, những người này có thể cho quẹt và rút tiền mặt tối đa.
Ngoài việc quẹt thẻ lấy tiền ngay với việc ký hóa đơn khống, mua hàng “ma” thì các điểm này cũng nhận luôn dịch vụ đáo hạn nợ, xoay vòng nợ... bằng thẻ tín dụng. Người tên Hoàn, ở quận Tân Bình (TP.HCM) tư vấn: “Nếu anh đang nợ ngân hàng 1 tỷ đồng nhưng đến thời hạn trả nợ mà không biết xoay tiền thì tốt nhất là tìm đến các ngân hàng mở ngay, càng nhiều thẻ tín dụng càng tốt với hạn mức tối đa được cấp”.
“Ví dụ, theo hồ sơ, anh mở được 150 triệu đồng/thẻ thì chỉ cần 5, 6 thẻ là đủ. Lúc đó, anh chỉ cần mượn thêm một vài thẻ nữa là đủ. Có thẻ, anh mang đến, bên em sẽ quẹt, để anh rút tiền. Khi có nhiều thẻ, anh cũng có thể có rất nhiều tiện ích, ví như là dùng 2 thẻ, rút được 300 triệu để làm ăn hay trả nợ, đến khi cần trả nợ hay đáo hạn thì lấy 2 thẻ sau quẹt và trả cho 2 thẻ trước là xong. Đây là cách xoay nợ rất lợi hại mà không phải chịu bất cứ lãi suất nào, chỉ cần tốn phí là xong”, Hoàn nói.
Một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng tại quận 3 (TP.HCM) (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Về tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng chấn chỉnh, chúng tôi cũng đã nhận được và sẽ thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, sở dĩ có tình trạng này là do các điểm chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng đã lách luật bằng cách cho chủ thẻ vay tiền mặt. Trong khi đó, các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ vẫn thể hiện được chứng từ giao dịch, doanh số bán hàng và được ngân hàng cập nhật lưu trữ trên hệ thống”.
Vị này cũng thừa nhận, tình trạng này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về các khoản nợ này. “Vì thế mà các tổ chức tín dụng chỉ cho phép khách hàng rút tiền mặt tối đa 50% hạn mức. Thế nhưng, ở các dịch vụ đó, khách hàng có thể rút toàn bộ số tiền”, vị này nói thêm. Trả lời PV, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có văn bản (số 166) yêu cầu các tổ chức tín dụng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc các điểm chấp nhận thẻ tín dụng bằng cách thông đồng với chủ thẻ để thanh toán khống, nhằm rút tiền mặt”.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có biện pháp để giám sát, thanh - kiểm tra, nhằm quản lý chặt chẽ các đơn vị chấp nhận thẻ. Trường hợp phát hiện thực hiện các giao dịch thanh toán như trên thì phải có biện pháp xử lý nghiêm và báo cáo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, các tổ chức tín dụng phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình về hồ sơ, thủ tục đăng ký, phát hành và sử dụng thẻ... đảm bảo các quy định của ngân hàng.