Tài xế Grab bilke diễu hành trên phố, đoạn qua đường Láng (ảnh: Cộng đồng Grab bike)
Liên quan đến thông tin tài xế Grab bike tắt ứng dụng, diễu hành trên các tuyến phố Hà Nội để phản đối tăng chiết khấu, tối ngày 7/12, trao đổi với PNVN, đại diện Grab cho biết, trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, việc tuân thủ pháp luật luôn là tiêu chí hàng đầu của Grab.
Theo đại diện Grab, doanh nghiệp hiện đang tuân thủ chặt chẽ Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, Luật Quản lý thuế 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan chức năng, và đặc biệt là Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126), có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Trong đó, điểm a và điểm c khoản 5, Điều 7 trong NĐ 126 quy định:
"Tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho người nộp thuế phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về khai thuế, nộp thuế như quy định đối với người nộp thuế tại Nghị định này, bao gồm:
Tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
...
c, Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh."
Theo quy định trên của Nghị định 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. Do đó, nhằm mục đích tuân thủ quy định này, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Cũng theo NĐ 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế. Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Trước và ngay sau khi NĐ 126 ban hành, Grab đã tích cực chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này.
Trước đó, từ sáng ngày 7/12, hàng ngàn tài xế công nghệ đã tập trung trước trụ sở Công ty Grab (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) để phản đối chính sách tăng chiết khấu đối với giá cước mỗi chuyến đi. Số lượng tài xế tập trung về đây ngày càng tăng, nhất là gần trưa và đầu giờ chiều khiến giao thông gặp khó.
Anh Nguyễn Văn Thao, một tài xế Grab bike cho biết, với chính sách mới nếu chạy khoảng 9,3km, khách hàng sẽ phải trả 52.000 đồng. Tuy nhiên, tài xế chỉ thực nhận có 37.000 đồng, còn lại là chiết khấu và phí nền tảng là gần 15.000 đồng. "Chúng tôi di chuyển gần 10km trong điều kiện Hà Nội thường xuyên tắc đường để nhận được 37.000 đồng. Đó là chưa kể chi phí xăng xe, điện thoại, hao mòn máy móc. Tính ra, tài xế chúng tôi chỉ nhận được khoảng 20.000 đồng cho mỗi cuốc xe 10km, thử hỏi cánh tài xế chúng tôi sống sao được", anh Thao bức xúc.
Cũng như anh Thao, chiều nay hàng ngàn tài xế công nghệ khác đã tắt ứng dụng. Sau khi tập trung tại trụ sở doanh nghiệp, tài xế tập trung di chuyển quanh Hồ Hoàn Kiếm và các điểm khác. Công an Tp. Hà Nội đã nhắc nhờ các tài xế không được tụ tập đông người. Tài xế sau đó đã chia thành từng nhóm nhỏ để di chuyển.
Được biết, hiện tại giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại 2 TP Hà Nội và Bắc Ninh là 9.500 đồng, tương đương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng.
Trước đó, thực hiện Nghị định 126 (có hiệu lực từ ngày 5/12/2020), Grab đã tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Theo đó, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 đồng so với trước ngày 5-12. Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ từ 500 - 1.000 đồng tùy từng thành phố, trong đó 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.