Đau đáu khát vọng bảo vệ "ngọn lửa thiêng" dân tộc của người K'ho

14/10/2020 08:35

Dù nặng mang chức trách già làng hay không, những người con của buôn làng K'ho này vẫn miệt mài với khát vọng gìn giữ, thắp sáng xuyên suốt ngọn lửa văn hóa dân tộc. Trong khát vọng của riêng mình, có người khắc khoải với, đau đáu với sự lụi tàn của tiếng cồng chiêng, có người "liều mình" chống lại nạn chảy máu chiêng, ché, xà gạc cổ của cha ông.

Tự nguyện bảo vệ văn hóa dân tộc K'ho

Chia sẻ về công tác bảo tồn văn hóa đặc sắc của dân tộc K'ho bản địa, ông Đinh Duy Truyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh tiếc nuối cho biết: "Có thể nói, người nắm giữ những tài liệu, nghiên cứu có hệ thống, đầu tư và gần như đầy đủ nhất về người K'ho là cha Nguyễn Huy Trọng, Quản xứ giáo xứ Kala. Tuy nhiên, cha Trọng vừa mới mất. Đó thực sự là một mất mát lớn. Rất may hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn một số già làng có uy tín và nắm giữ những luật tục, phong tục đặc sắc của dân tộc mình".

Theo lời ông Truyền, tại địa phương có thể kể đến già làng K'Tiếu tại thôn Duệ, xã Đinh Lạc. Già làng K'Tiếu từ lâu được biết đến như người con ưu tú, đầy uy tín của thôn Duệ, người không chỉ nắm rõ các luật tục dân tộc mình mà còn là người truyền lửa văn hóa truyền thống người K'ho cho thế hệ trẻ. Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, già làng K'Tiếu là một trong số ít già làng có thể thực hiện nghi thức cúng tế trong lễ ăn trâu của dân tộc K'ho tại huyện Di Linh. Ông cũng là người đau đáu trước nguy cơ lụi tàn của tiếng cồng chiêng tại địa phương.

Già làng K’Tiếu (thứ 2 từ trái sang) trong một buổi dạy người dân trong thôn đánh cồng chiêng.

Do đó, dù đã ở tuổi 67, già làng vẫn bỏ thời gian, công sức tự nguyện vận động thanh niên trong thôn đến lớp học đánh cồng chiêng do ông đích thân giảng dạy. Già làng K'Tiếu chia sẻ: "Tiếng cồng chiêng là hồn thiêng của dân tộc mình. Nó xuất hiện trong các lễ hội của buôn làng. Thế nên, không thể để tiếng cồng chiêng mất đi được. Tôi phải dạy, phải truyền lại cho đời sau. Có như thế, tôi có chết mới nhắm mắt được". Thế là mấy chục năm qua, ngoài những buổi lên nương rẫy, già K’Tiếu lại đều đặn lên lớp dạy cồng chiêng như thế cho những người có đam mê trong làng.

Chia sẻ về công việc mà theo ông đó là niềm khát vọng cuối cùng của đời người, già K’Tiếu nói: “ Bảo tồn văn hóa cồng chiêng là điều những người già như tôi mong muốn. Vì vậy, tôi đã tổ chức truyền dạy cho con cháu từ lâu. Tôi và nhiều nghệ nhân trong làng đã lớn tuổi rồi nên rất cần có người đam mê cồng chiêng để truyền dạy lại văn hóa của dân tộc mình, để thế hệ này truyền dạy cho thế hệ kia, cho cồng chiêng được ngân vang mãi... Việc dạy đánh cồng chiêng đòi hỏi rất cao ở tính tập thể, cộng đồng. Bất kỳ bản nhạc nào những người đánh cũng phải phối kết hợp với nhau. Mỗi người vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng lúc, vừa phải lắng nghe và kết hợp với những người khác, cái khó ở chỗ đó”.

Không chỉ đau đáu với văn hóa truyền thống, già K’Tiếu còn trăn trở trước tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, tụ tập thành băng nhóm, uống rượu, quậy phá, trộm cắp, đánh nhau. Trước tình hình đó, ngoài việc gặp gỡ rất niềm nở với con cháu, ông cùng với gia đình khuyên bảo các cháu thấy được những việc làm sai trái của mình để khắc phục, sửa chữa. Với những nỗ lực đó của bản thân, già làng K’Tiếu chính quyền địa phương đã cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ nhiều thanh thiếu niên hư hỏng tiến bộ.

Liều mình chống nạn “chảy máu” cổ vật

Trong khi đó, ông K'Mun Sơn (ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) lại "liều mình" chống nạn chảy máu vật thiêng của dân tộc khỏi buôn làng. Dù kinh tế gia đình không thuộc hàng khá giả, ông vẫn kiên quyết làm gương cho buôn làng khi nhất quyết từ chối việc bán ché cổ với giá hàng trăm triệu đồng/ché.

Ghi nhận thực tế, PV nhận thấy, hiện nay, ông Sơn vẫn đang gìn giữ hơn 30 ché cổ thuộc hàng hiếm hoi của người dân tộc K’ho. Phải khó khăn lắm, PV mới hẹn gặp được ông, bởi ông sợ khách đến nhà ngoài mục đích chiêm ngưỡng dàn ché cổ còn mang theo hy vọng thuyết phục được ông bán lại vài ba ché quý. Phải là người có tâm huyết và yêu văn hóa dân tộc mình lắm, ông mới đóng hẳn một kệ dài, chia thành từng ngăn để trưng bày dàn ché cổ. Trên kệ, hơn 30 chiếc ché cổ có kích thước lớn bé khác nhau được bày trí một cách hài hòa. Năm tháng, thời gian không những không bào mòn, làm hư hại ngoại hình ché cổ mà càng khiến chúng lên nước bóng bẩy.

Ông K’Mun Sơn kiên quyết không bán giàn ché cổ để chống lại nạn chảy máu cổ vật khỏi buôn làng.Ông K’Mun Sơn kiên quyết không bán giàn ché cổ để chống lại nạn chảy máu cổ vật khỏi buôn làng.

Ông Sơn nói, một thời, ché cổ trong buôn làng có giá rất cao, là vật được giới buôn đồ cổ săn lùng. Biết ông là người sở hữu nhiều ché quý, giới buôn đồ cổ liên tục đến “thăm hỏi” ông bằng nhiều cách. Bà Ka Nhoi, vợ ông K’Mun Sơn cho biết: “Họ đến nhà tôi nhiều lần lắm. Có người ban đầu nói là nhà nghiên cứu gì đó để lấy cớ đến xem ché. Sau đó, họ thuyết phục ông bán ché. Không thuyết phục được ông, họ quay sang thuyết phục tôi, con cái tôi. Thấy chúng tôi kiên quyết không bán, họ lại lấy nhiều tiền ra dụ dỗ. Có  người trả cặp ché ông ché bà đến mấy chục triệu, cặp ché mặt trăng, mặt trời họ trả đến 200 - 300 triệu đồng. Người trong thôn, ngoài làng cũng hỏi mua, trả trâu trả bò để mua nhưng ông không bán”.

Cũng theo bà Ka Nhoi, không chỉ kiên quyết không bán ché để làm gương dù gia đình thiếu trước hụt sau, ông Sơn còn vận động bà con trong làng không bán ché cổ, xà gạc cúng,… Ông đến từng gia đình vận động, khơi dậy niềm tự hào văn hóa của dân tộc mình cũng như chia sẻ thêm giá trị tinh thần của những chiếc ché cổ. Việc làm của ông vô tình đụng chạm đến lợi ích của những tay săn cổ vật người K’ho khiến ông gặp không ít rắc rối.

Chia sẻ về hành động của ông, một cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh cho biết: “Hiện nay, rất nhiều gia đình đem bán đi các loại ché cổ, duy gia đình ông không bán và cất công gìn giữ. Chúng tôi rất hoan nghênh việc làm trên. Có thể nói đây là gương điển hình về giữ gìn, bảo quản, gìn giữ văn hóa dân tộc”.

Cùng chung tay bảo tồn nét độc đáo của văn hóa dân tộc, già làng K’Broh (ngụ thôn K’Ming, thị trấn Di Linh) lại chọn cách tìm hiểu ngọn nguồn lịch sử ngôi làng mình đang sinh sống. Là một giáo viên về hưu, ông Broh luôn đau đáu khi có người hỏi làng K’Ming là K’Ming hay Ka Ming và vì sao có cách viết, cách đọc như thế.

Ông nói: “Tưởng chừng câu hỏi ấy rất đơn giản, không có ý nghĩa gì. Thế nhưng, nếu suy nghĩ kỹ, đây là cả một vấn đề lịch sử. Là con của làng, mình phải biết về lịch sử của nó chứ. Thế là, tôi đi tìm hiểu, nghiên cứu, ghi chép thử. Đây là công việc lâu dài, không thể khẳng định trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, hiện, tôi có thể nói, đây là làng K’Ming chứ không phải Ka Ming”.

Theo ông lý giải, trong cách viết của người K’ho, K’ dành để viết tên, gọi tên người đàn ông, Ka dùng để viết tên, gọi tên người phụ nữ. “Tôi khẳng định đây là làng K’Ming vì chỉ có đàn ông mới đủ uy tín, sức mạnh để lập làng. Hơn thế nữa, tôi đã tìm hiểu và được biết, trước khi nơi đây thành buôn làng, trù phú như ngày nay, khu vực này là rừng rậm. Giữa lúc ấy có một người đàn ông tìm đến sinh sống, ông nhận thấy nơi này bốn bề đồi núi bao bọc, có thung lũng rộng để trồng lúa, thả gia súc nên quyết định ở lại.

Tuy nhiên, lúc này, dân chưa ai tin, theo ông. Song, một lần, bệnh dịch lan tràn, trâu bò người dân chết hết, ông nhận thấy nếu để gia súc của mình tại làng cũng chung số phận. Thế nên, ông đưa trâu bò đến một gò đất cao ráo, dựng chuồng trại, cách ly, không thả rong mà cắt cỏ cho ăn. Thế là khi dịch đi qua, trong vùng chỉ còn ông có trâu bò. Người dân thấy ông tài giỏi nên mới theo ông. Làng K’Ming có từ đó”, ông K’Broh nói.

Hà Nguyễn - Ngọc Lài
Bạn đang đọc bài viết "Đau đáu khát vọng bảo vệ "ngọn lửa thiêng" dân tộc của người K'ho" tại chuyên mục Phóng sự. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)